[THPTQG] Đề minh họa số 3

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm):

Đọc văn bản sau:

   (1) Theo thống kê gần đây, bình quân mỗi người Việt Nam đọc 2,8 cuốn sách và đọc 7,07 tờ báo trong một năm. Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa ra con số: Tỷ lệ người hoàn toàn không đọc sách chiếm tới 26% tỷ lệ người thỉnh thoảng mới cầm sách để đọc 44%, đọc thường xuyên chiếm tỷ lệ 30%. Bạn đọc của thư viện chiếm khoảng 8% đến 10% dân số. So với các nước trong ASEAN, tỷ lệ này là quá thấp, rất đáng báo động. Một người Thái Lan đọc khoảng 5 cuốn sách 1 năm, một người Malaysia đọc 20 cuốn sách/năm. 

(2) Bàn về văn hóa đọc hiện nay của người Việt, PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân, nhà nghiên cứu Dân Tộc, bày tỏ quan điểm: “Không nên máy móc cho rằng đọc sách in mới là văn hóa đọc. Khoa học kỹ thuật phát triển giúp con người có nhiều phương thức tiếp thu tinh hoa, trí tuệ, kiến thức của nhân loại. Tư duy hệ thống là phương pháp tư duy hướng đến mở rộng tầm nhìn, xem xét, đánh giá đối tượng trong mối tương quan tổng thể với môi trường”. Đọc cái gì, bằng phương pháp nào là do mỗi người tự quyết định nhưng không nên chỉ đọc 1 loại sách vì tư duy hiện nay là tư duy hệ thống và con người là “công dân toàn cầu”. Ngoài ra, theo PGS, bên cạnh những quyển sách giúp người đọc kỹ năng làm giàu, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp… vẫn rất cần những quyển sách bàn về đạo đức, trí tuệ cảm xúc cho mỗi con người Việt Nam, có như vậy thì chúng ta mới hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững.
 
(3) Mới đây, trong bài phát biểu trước sinh viên Việt Nam tại Hà Nội, Tổng thống Obama đã trích dẫn những câu thơ “thần” của Lý Thường Kiệt: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/Rành rành định phận tại sách trời” nhằm khẳng định chủ quyền của quốc gia, dân tộc Việt Nam. Hay những ca từ rất đẹp, rất ý nghĩa trong ca khúc Mùa xuân đầu tiên của cố nhạc sĩ Văn Cao: “Từ nay người biết yêu người/từ nay người biết thương người…” để khẳng định mối quan hệ bằng hữu khắng khít giữa hai nước trong thời kỳ mới. Và những câu thơ Kiều (Nguyễn Du) cũng được ngài Tổng thống Hoa Kỳ trích dẫn khá nhuần nhuyễn trước khi kết thúc bài phát biểu với những ẩn ý sâu sắc: “Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi”. Nếu không đọc, tìm hiểu về văn hóa, không hiểu biết về lịch sử liệu có làm nên 1 hiệu ứng đầy năng lượng của Tổng thống đương nhiệm Hoa Kỳ đến với Việt Nam hay không? Bởi vậy, để nâng tầm tri thức của cá nhân, mỗi người chúng ta nên bổ sung kiến thức của mình thông qua việc đọc, đọc để hiểu biết, đọc để mình không bị lạc hậu, lỗi thời, đọc để “sánh vai” cùng bè bạn. 

(Thanh Vy, http://baobaovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/goc-van-hoa/201605, 25-5-2016)

Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5:

Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản. 

Câu 2. Trong đoạn (2), tại sao PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân đưa ra quan điểm: không nên chỉ đọc 1 loại sách?

Câu 3. Những số liệu thống kê ở đoạn (1) có tác dụng gì khi triển khai các ý trong văn bản?

Câu 4. Trong đoạn (3), những câu trích dẫn của Tổng thống Obama khi phát biểu trước sinh viên Việt Nam tại Hà Nội có hàm ý gì?

Câu 5. Theo anh/chị, người viết gửi gắm thông điệp gì qua toàn bộ văn bản trên?

II. LÀM VĂN (6.0 điểm):

Câu 1 (2.0 điểm) Từ đoạn văn (1) trong Phần Đọc hiểu:

"Theo thống kê gần đây, bình quân mỗi người Việt Nam đọc 2,8 cuốn sách và đọc 7,07 tờ báo trong một năm. Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa ra con số: Tỷ lệ người hoàn toàn không đọc sách chiếm tới 26% tỷ lệ người thỉnh thoảng mới cầm sách để đọc 44%, đọc thường xuyên chiếm tỷ lệ 30%. Bạn đọc của thư viện chiếm khoảng 8% đến 10% dân số. So với các nước trong Asean, tỷ lệ này là quá thấp, rất đáng báo động. Một người Thái Lan đọc khoảng 5 cuốn sách 1 năm, một người Malaysia đọc 20 cuốn sách/năm"

Hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về văn hóa đọc của giới trẻ hôm nay.

Câu 2 (4.0 điểm)

Tặng Nhất Linh

Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong, 
Hôm xưa em đến, mắt như lòng. 
Nở bừng ánh sáng. Em đi đến, 
Gót ngọc dồn hương, bước toả hồng.

Em đẹp bàn tay ngón ngón thon; 
Em duyên đôi má nắng hoe tròn. 
Em lùa gió biếc vào trong tóc 
Thổi lại phòng anh cả núi non.

Em nói, anh nghe tiếng lẫn lời; 
Hồn em anh thở ở trong hơi. 
Nắng thơ dệt sáng trên tà áo, 
Lá nhỏ mừng vui phất cửa ngoài.

Đôi lứa thần tiên suốt một ngày. 
Em ban hạnh phúc chứa đầy tay. 
Dịu dàng áo trắng trong như suối 
Toả phất đôi hồn cánh mộng bay 

(Áo trắng, Huy Cận, Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh – Hoài Chân, NXB Văn học, tr.137- 138)

Nêu cảm nhận của anh/chị về văn bản thơ trên, từ đó nhận xét về nét đặc sắc trong hình thức nghệ thuật được sử dụng trong văn bản.


I. ĐỌC (4.0 điểm):

Câu 1:

Câu 2:

Câu 3:

Câu 4:

Câu 5:

I. VIẾT (6.0 điểm):

Câu 1:

Câu 2:

Kết quả

Bài làm của bạn

Lời giải gợi ý

I. Đọc

II. Viết

I. Đọc

Câu 1 (0.5đ): Phong cách ngôn ngữ chính luận.

Câu 2 (0.5đ): Không nên đọc 1 loại sách là bởi vì tư duy hiện nay là tư duy hệ thống và con người là “công dân toàn cầu”.

Câu 3 (1.0đ): Số liệu thống kê ở đoạn (1) có tác dụng làm luận cứ cho các luận điểm chỉ ra vấn đề được tác giả làm rõ trong văn bản: Thực trạng đọc sách ngày nay.

Câu 4 (1.0đ): Những trích dẫn của Tổng thống Obama khi phát biểu trước sinh viên nhằm làm tăng giá trị của hình ảnh dân tộc Việt Nam, thể hiện sự quan tâm đối với người Việt ta, đồng thời nhận mạnh việc quan trọng trong đọc sách.

Câu 5 (1.0đ): Thông điệp: Nâng cao giá trị của văn hóa đọc trong xã hội hiện nay.

II. Viết

Câu 1 (2.0đ): Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về văn hóa đọc của giới trẻ hôm nay.

a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn (0.25đ):
Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0.25đ):
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Thực trạng đọc sách.

c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận (0.5đ):
- Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Văn hóa đã có từ lâu đời, Việt Nam là một quốc gia có bề dày Nho học, cần phát huy truyền thống hiếu học, đáp ứng nhu cầu hội nhập toàn cầu.
+ Thiếu văn hóa đọc khiến người trẻ thiếu hụt tri thức về văn hóa, thời đại, dân tộc, v.v..
+ Cần biết nâng cao ý thức học tập và đọc sách, biết lan tỏa văn hóa đọc.

d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau (0.5đ)
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận. 
- Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt. 
- Trình bày rõ quan điểm hệ thống các ý 
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và dẫn chứng.

đ. Diễn đạt (0.25đ):
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.

e. Sáng tạo (0.25đ):
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới  mẻ.

Câu 2 (4.0đ): Nêu cảm nhận của anh/chị về văn bản thơ trên, từ đó nhận xét về nét  đặc sắc trong hình thức nghệ thuật được sử dụng trong văn bản.

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0.25đ)
Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái  quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0.5đ):
Nêu cảm nhận và nhận xét đặc sắc hình thức nghệ thuật.

c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết (1.0đ):
- Xác định được các ý chính của bài viết. 
- Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận: * Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận.  
- Cảm nhận về hình ảnh chủ thể trữ tình: Đẹp, lãng mạn, thơ mộng,  nhiều hình ảnh đặc sắc. Thể hiện tình cảm và suy nghĩ giàu chất tình tứ trong thơ. 
- Nhận xét: Nghệ thuật xây dựng ngôn ngữ bậc thầy của tác giả. Khéo léo trong việc sử dụng từ ngữ và tình cảm. Giàu hình ảnh hay làm cho bài thơ thêm sinh động. Các câu thơ đan xen theo chiều cảm xúc khác nhau. 
- Tác dụng: 
+ Miêu tả nhiều cung bậc của cảm xúc.  
+ Gây sự ấn tượng cho tác phẩm.  
+ Đổi mới và có cách nhìn đa chiều về thơ hiện đại.  
* Nghệ thuật: 
- Cách tạo hình độc đáo, sáng tạo. 
- Sử dụng biện pháp tu từ so sánh linh hoạt. 
- Cách sử dụng từ ngữ, lựa chọn hình ảnh giàu cảm xúc.

d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau (1.5đ)
- Triển khai được ít nhất hai luận điểm để làm rõ quan điểm cá nhân.
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp  để triển khai vấn đề nghị luận. 
- Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt. 
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và dẫn chứng. 
Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù  hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

đ. Diễn đạt (0.25đ):
Bảo đảm chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.

e. Sáng tạo (0.5đ):
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Xác nhận thoát?

Do Chạm Văn chưa cập nhật tính năng lưu lịch sử làm bài, bài viết của bạn có thể bị xóa.

Tip: Dùng chuột kéo góc dưới bên phải của ô trả lời sẽ "kéo dài" ô đó, giúp bạn dễ nhìn bài viết hơn.