[THPTQG] Đề ôn so sánh 2 truyện (6)

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm):

Đọc văn bản sau:

 NÓN BA GIANG

   Nhắc đến Phù Việt (nay là Thạch Việt - Thạch Hà - Hà Tĩnh) người ta không chỉ nhớ đến một “địa chỉ đỏ” trong phong trào Xô Viết mà còn biết đến bởi nơi đây có một làng nghề nổi tiếng một thời - nghề làm nón Ba Giang.

Nón lá không biết ra đời từ bao giờ nhưng lại là một vật dụng rất đỗi thân thuộc đối với những người dân Việt. Nón che nắng che mưa cho những người nông dân khi họ ra đồng, nón là vật làm duyên cho những người con gái, nón theo chân bao thiếu nữ về nhà chồng. (... ) Không có khuôn, người khâu dùng hai lá cọ non, ở giữa lót một lớp vỏ măng tre, lật ngược, tựa vào hai bắp đùi mà uốn lá theo hình chóp. Nón được định hình dần nhờ lớp xương bằng sợi giang nhỏ (chừng một ly) uốn xoáy trôn ốc, vừa uốn vừa khâu, liền kề nhau từ trong ra. Khi đạt độ lớn cần thiết mới khâu vành cái (to bằng ngón tay trỏ người lớn) rồi cắt phần lá dư và viền lại bằng sợi vọt... Nón đẹp cần vật liệu tốt, tre phải dao lóng (lóng dài), mắt tre, nứa phải chìm không dô ra, lá nón vừa chín khi phơi nắng xong phải trắng nõn, mịn màng...Vì thế để làm nên nón đẹp người chằm nón phải lựa chọn vật liệu như “tuyển lính”. Để tô điểm cho chiếc nón thêm phần thanh mảnh, duyên dáng các o, các chị cài thêm hoa giấy, những sợi chỉ đỏ xanh vào trong nón. Không phải ai cũng làm được nón đẹp mà phải từ bàn tay của những cô gái khéo léo hoặc là các cao niên có tính tỷ mỉ chu đáo (... )

Cứ chiều chiều trên những con đường vào các thôn các o, các chị ngồi làm nón…Nón Ba Giang một thời bán rất chạy tiêu thụ ra cả những tỉnh lận cận như Vinh, Hà Nội, Quảng Bình... Có khi khách đặt hàng nhiều các chị, các o phải thức làm đêm cho kịp buổi chợ sớm mai. Có thể nói cùng với cây đa, bến nước, sân đình ở xã Phù Việt xưa, nghề làm nón đã góp phần tạo nên không gian văn hoá cho làng quê nơi đây. Và có lẽ chính bởi gắn bó với những ngả đường vào xã mà chiếc nón nơi đây được gọi bằng tên gọi thân thương, nón Ba Giang - tên của ngã ba đi qua xã. (…)

(http://dulichhatinh.com.vn/tai-nguyen-du-lich/LANG-NGHE/Non-Ba-Giang-Tác giả bài viết: Ái Vân)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1:  Đoạn trích trên được sử dụng các phương thức biểu đạt nào?

Câu 2: Chỉ ra mục đích của văn bản trên.

Câu 3: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong câu “Nón đẹp cần vật liệu tốt, tre phải dao lóng (lóng dài), mắt tre, nứa phải chìm không dô ra, lá nón vừa chín khi phơi nắng xong phải trắng nõn, mịn màng”.

Câu 4: Nhận xét về thái độ, tình cảm của tác giả thể hiện trong văn bản?

Câu 5: Vì sao có thể nói đoạn trích có ý nghĩa khơi dậy ý thức về không gian văn hóa làng quê ở mỗi người? Trình bày ý kiến của anh/chị trong 5-7 dòng.

II. PHẦN VIẾT (6.0 điểm):

Câu 1 (2.0 điểm): Từ đoạn trích kết hợp với những hiểu biết về thực tiễn của bản thân, anh/chị hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về giá trị của việc phát huy nguồn lao động nữ tại địa phương mình.

Câu 2 (4.0 điểm):

Đọc 2 đoạn văn bản sau:

Văn bản 1: Trích Chí Phèo
(Nam Cao)

   (Tóm lược:  Chí Phèo là một đứa trẻ bị bỏ hoang trong cái lò gạch cũ, được người dân làng Vũ Đại truyền tay nhau nuôi, từ anh thả ống lươn cho đến bà góa mù và bác phó cối. Đến khi hắn 18 tuổi thì Chí bắt đầu đi làm thuê cho nhà Bá Kiến. Vợ của Bá Kiến bắt Chí Phèo phải đấm lưng, xoa đầu cho bà ta và rồi Chí bị đi tù bảy, tám năm. Sau khi ra tù, Chí triền miên trong cơn say, rạch mặt, ăn vạ, chỉ cần ai cho tiền là có thể làm bất cứ điều gì. Chí trở thành tay sai cho Bá Kiến và một con quỷ dữ của làng Vũ Đại...Cho đến một hôm, cũng trong những cơn say như thường ngày, Chí gặp Thị Nở, cuộc gặp gỡ này đã làm thức tỉnh phần người trong Chí.)

Thằng này rất ngạc nhiên. Hết ngạc nhiên thì hắn thấy mắt mình hình như ươn ướt. Bởi vì lần này là lần thứ nhất hắn được một người đàn bà cho. Xưa nay, nào hắn có thấy ai tự nhiên cho cái gì. Hắn vẫn phải doạ nạt hay giật cướp. Hắn phải làm cho người ta sợ. Hắn nhìn bát cháo bốc khói mà bâng khuâng. Thị Nở thì chỉ nhìn trộm hắn, rồi lại toe toét cười. Trông thị thế mà có duyên. Tình yêu làm cho có duyên. Hắn thấy vừa vui lại vừa buồn. Và một cái gì nữa, giống như là ăn năn. Cũng có thể như thế lắm. Người ta hay ăn năn hối hận về tội ác khi không đủ sức để ác nữa. Thị Nở giục hắn ăn nóng. Hắn cầm lấy bát cháo đưa lên mồm. Trời ơi cháo mới thơm làm sao! Chỉ khói xông vào mũi cũng đủ làm người nhẹ nhõm. Hắn húp một húp và nhận ra rằng: những người suốt đời không ăn cháo hành không biết rằng cháo rất ngon. Nhưng sao lại mãi đến bây giờ hắn mới nếm vị mùi cháo?



Văn bản 2: Trích Vợ chồng A Phủ
(Tô Hoài)

   (Tóm lược: Mị là một cô gái trẻ, đẹp. Cô bị bắt làm vợ A Sử - con trai thống lý Pá Tra để trừ một món nợ truyền kiếp của gia đình. Lúc đầu, suốt mấy tháng ròng, đêm nào Mị cũng khóc, Mị định ăn lá ngón tự tử nhưng vì thương cha nên Mị không thể chết. Mị đành sống tiếp những ngày tủi cực trong nhà thống lí. Mị làm việc quần quật khổ hơn trâu ngựa và lúc nào cũng “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”, tầm hồn tàn lụi. Mùa xuân đến, tiếng sáo gọi bạn tình thiết tha đã đánh thức Mị)

   Ngày Tết, Mị cũng uống rượu. Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát. Rồi say, Mị lịm mặt ngồi đấy nhìn mọi người nhảy đồng, người hát, nhưng lòng Mị thì đang sống về ngày trước. Tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng. Ngày trước, Mị thổi sáo giỏi. Mùa xuân này, Mị uống rượu bên bếp và thổi sáo. Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị.

Rượu đã tan lúc nào. Người về, người đi chơi đã vãn cả. Mị không biết, Mị vẫn ngồi trơ một mình giữa nhà. Mãi sau Mị mới đứng dậy, nhưng Mị không bước ra đường chơi, mà từ từ bước vào buồng. Chẳng năm nào A Sử cho Mị đi chơi Tết. Mị cũng chẳng buồn đi. Bấy giờ Mị ngồi xuống giường, trông ra cái cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trăng trắng. Đã từ nãy, Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày Tết. Huống chi A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau! Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại, chỉ thấy nước mắt ứa ra. Mà tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường.


Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) so sánh 2 văn bản trên để làm nổi bật sự thức tỉnh của nhân vật.


Chú thích:

(1) Nam Cao (1917 – 1951) quê ở Lý Nhân, Hà Nam. Ông là nhà văn hiện thực lớn, nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn, có đóng góp quan trọng cho quá trình hiện đại hóa truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX. Các sáng tác của Nam Cao trước Cách mạng Tháng Tám tập trung vào hai đề tài chính là người trí thức nghèo và người nông dân nghèo. Sau Cách mạng, ông tham gia kháng chiến và để lại nhiều sáng tác có giá trị, tiêu biểu cho văn xuôi kháng chiến thời kì đầu.

(2) Nhà văn Tô Hoài (1920 – 2014) quê ở Từ Liêm, Hà Nội. Ông là một trong những tên tuổi lớn của văn học hiện đại Việt Nam, có vốn hiểu biết sâu sắc, đa dạng về phong tục tập quán của nhiều vùng miền nhất là vùng Tây Bắc. Các tác phẩm của ông có nội dung phong phú, hấp dẫn người đọc với lối kể chuyện vừa hồn nhiên, hóm hỉnh lại vừa sâu sắc, sinh động


I. ĐỌC (4.0 điểm):

Câu 1:

Câu 2:

Câu 3:

Câu 4:

Câu 5:

I. VIẾT (6.0 điểm):

Câu 1:

Câu 2:

Kết quả

Bài làm của bạn

Lời giải gợi ý

I. Đọc

II. Viết

I. Đọc

Câu 1 (0.5đ): 
Các phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn trích là: thuyết minh, miêu tả, nghị luận.

Câu 2 (0.5đ):
Mục đích của văn bản trên là: giới thiệu về nón Ba Giang – sản phẩm của một làng nghề nổi tiếng một thời.

Câu 3 (1.0đ):
- Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn đề ra là: liệt kê (tre; mắt tre, nứa; lá nón).
- Tác dụng:
+ Bằng việc sử dụng biện pháp tu từ liệt kê giúp câu văn trở nên ngắn gọn, rõ ý, giàu nhịp điệu và hình ảnh hơn, tăng sức gợi cảm hơn.
+ Đồng thời, các phép tu từ ấy cũng góp phần thể hiện rõ quan điểm, thái độ mà tác giả gửi gắm. Quả thật, để tạo ra một chiếc nón cần có sự chuẩn bị kĩ càng, tỉ mỉ ngay từ khâu chọn nguyên liệu. Điều đó là minh chứng rõ nhất cho tinh thần trách nhiệm và tình yêu nghề trong mỗi người thợ làm nón ở làng nghề làm nón Ba Giang nói riêng, ở mọi miền Tổ quốc nói chung. Qua đó, ta thấy được sự am hiểu về quy trình tạo ra chiếc nón lá cũng như tình yêu, sự tự hào của tác giả về món đồ có tính dân tộc này.

Câu 4 (1.0đ):
- Trong văn bản, tác giả đã thể hiện thái độ trân quý từng chiếc nón lá Việt Nam nói chung, nón Ba Giang nói riêng cũng như biết ơn công sức mà những người thợ tạo ra nó.
- Đó là những tình cảm chân thành xuất phát trừ trái tim một người yêu và tự hào về những sản phẩm chứa đựng cả nền văn hóa dân tộc mình. Để rồi tác giả gửi tới bao bạn đọc một bức thông điệp vô cùng ý nghĩa: hãy trân trọng từng chiếc nón lá, biết ơn từng người thợ làm ra nó cũng như ủng hộ và góp phần phát triển các làng nghề truyền thống vì đó là kết tinh của cả một nền văn hóa Việt Nam theo chiều dài lịch sử.

Câu 5 (1.0đ):
HS lí giải hợp lí, thuyết phục.

II. Viết

Câu 1 (2.0đ): Từ đoạn trích kết hợp với những hiểu biết về thực tiễn của bản thân, anh/chị hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về giá trị của việc phát huy nguồn lao động nữ tại địa phương mình.

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn (0.25đ):
- Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo một trong các cách: diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0.25đ):
- Giá trị của việc phát huy nguồn lao động nữ tại địa phương mình.

c. Triển khai đoạn văn (1.0đ):
Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ được giá trị của việc phát huy nguồn lao động nữ tại địa phương mình. Có thể theo hướng sau:
- Việc phát triển nguồn lao động nữ ở những làng nghề sẽ góp phần giải quyết việc làm, tăng năng suất và hiệu quả lao động.
- Đồng thời, nó cũng đề cao vai trò của người phụ nữ ở gia đình, địa phương cũng như toàn xã hội. Điều đó tạo nên sự công bằng tro ng xã hội - một trong những yếu tố quan trọng nhằm xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
- Mặt khác, việc phát triển nguồn lao động nữ ở địa phương cũng giúp các làng nghề truyền thống tiếp tục duy trì, phát triển mạnh mẽ hơn.
- Liên hệ và rút ra bài học cho bản thân:
Hướng dẫn chấm:
- Học sinh biết lý giải và nêu được giá trị của việc phát huy nguồn lao động nữ tại địa phương mình, rút ra được ít nhất một bài học cho bản thân: 1,0 điểm
- Học sinh lý giải chưa thật rõ ràng, nêu những điều cần làm còn chung chung, ít thuyết phục; chưa rút ra được bài học cho bản thân, chỉ cho tối đa nửa số điểm: 0,5 điểm.

d. Chính tả, ngữ pháp (0.25đ):
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
(Không cho điểm nếu quá nhiều lỗi về chính tả, ngữ pháp)

e. Sáng tạo (0.25đ):
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Câu 2 (4.0đ): Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) so sánh 2 văn bản trên để làm nổi bật sự thức tỉnh của nhân vật.

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận (0.25đ):
Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận (0.25đ):
So sánh 2 văn bản trên để làm nổi bật sự thức tỉnh của nhân vật Chí Phèo và Mị.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm:
Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

1. Giới thiệu chung (0.25đ):
- Số phận bi kịch của người nông dân trong XH cũ
- Vẻ đẹp trong tâm hồn: dù cho có bị tha hóa, bị làm cho tê liệt thì tâm hồn họ vẫn thức tỉnh…

2. Phân tích sự thức tỉnh của hai nhân vật (2.5đ):
2.1. Sự thức tỉnh của Chí Phèo
a. Giới thiệu về tác giả, tác phẩm, tóm tắt cốt truyện đến đoạn trích.
b. Phân tích sự thức tỉnh của Chí Phèo:
- Thức tỉnh về cảm xúc.
- Thức tỉnh về nhận thức.
- Thức tỉnh về khát vọng.
- Nghệ thuật miêu tả tâm lí bậc thầy của nhà văn Nam Cao.
2.2. Sự thức tỉnh của Mị
a. Giới thiệu tác giả, tác phẩm, tóm tắt cốt truyện đến đoạn trích
b. Phân tích sự thức tỉnh của Mị
- Thức tỉnh về cảm xúc.
- Thức tỉnh về nhận thức.
- Thức tỉnh về khát vọng.
- Nghệ thuật đồng hiện; Lời văn nửa trực tiếp; mổ xẻ tâm lí nhân vật.
3. So sánh:
a. Điểm giống:
- Cả hai đoạn truyện đều tái hiện một cách chân thực, tinh tế quá trình thức tỉnh của hai nhân vật. Họ đều là những người nông dân khốn khổ, bị áp bức, bị dồn đến chân tường cuộc sống, tưởng đã mất hết cả lương tri, cả suy nghĩ nhưng cuối cùng họ vẫn thức tỉnh, vẫn trở về với bản chất tốt đẹp vốn có của mình
- Từ sự thức tỉnh của hai nhân vật, các tác giả thể hiện niềm tin mãnh liệt vào những phẩm chất tốt đẹp của con người > cái nhìn hiện thực sâu sâc và tấm lòng nhân đạo cao cả.
- Từ sự thức tỉnh của các nhân vật giúp người đọc nhận thức ra được nhiều điều về quy luật trong cuộc sống và quy luật trong đời sống nội tâm của con người.
- Cả hai đoạn truyện đều thành công trong nghệ thuật miêu tả tâm trạng nhân vật, lựa chọn chi tiết đắt giá, ngôn ngữ chân thực, sinh động, cách kể chuyện hấp dẫn, cuốn hút.
b. Điểm khác:

Chí PhèoVợ chồng A Phủ
Từ một tên lưu manh, một con quỷ dữ, Chí Phèo thức tỉnh lương tri, khao khát trở về làm một người lương thiện 

Tình người có sức mạnh diệu kì, có thể cảm hóa được con người, khiến con người thức tỉnh

Chi tiết bát cháo hành > chất xúc tác 
Ngôn ngữ chân thực, gần với lời ăn tiếng nói của người nông dân, giọng điệu trần thuật tưởng như khách quan, dửng dưng, lạnh lùng nhưng đầy day dứt, xót xa ở bên trong
 Từ một cô gái có tâm hồn tê liệt, Mị thức tỉnh sức sống nội tâm tiềm tàng, mãnh liệt, sống với con người thật của chính mình…

Bức tranh lễ hội mùa xuân, hơi men chếnh choáng đã tác động mạnh đến tâm hồn Mị, đánh thức những kí ức đã ngủ quên trong cô..
+ Chi tiết tiếng sáo

Ngôn ngữ kể chuyện hấp dẫn, thể hiện cách nghĩ, cách tư duy của người dân tộc, giọng điệu trần thuật nhẹ nhàng, sâu lắng, đạm chất trữ tình
Hướng dẫn chấm:
- Học sinh cảm nhận được cơ bản các yêu cầu trên; lập luận chặt chẽ, thuyết phục,…: 2,5 điểm.
- Học sinh cảm nhận chưa đầy đủ các yêu cầu, lập luận chưa thật thuyết phục,…: 2,0 điểm.
- Học sinh cảm nhận sơ sài, mắc nhiều lỗi diễn đạt: 0,5 điểm.

d. Chính tả, ngữ pháp (0.25đ):
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
(Không cho điểm nếu bài làm còn mắc nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp)

e. Sáng tạo (0.5đ):
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.


Xác nhận thoát?

Do Chạm Văn chưa cập nhật tính năng lưu lịch sử làm bài, bài viết của bạn có thể bị xóa.

Tip: Dùng chuột kéo góc dưới bên phải của ô trả lời sẽ "kéo dài" ô đó, giúp bạn dễ nhìn bài viết hơn.