[THPTQG] Đề ôn so sánh 2 tác phẩm (7)

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm):

Đọc văn bản sau:

   (1) Tình yêu và lòng kiên nhẫn có thể được hình dung như hai nhánh của sợi dây thừng luôn bện chặt vào nhau, như chuỗi DNA là nguồn gốc tạo nên sự sống của con người. Bằng tình yêu, chúng ta có thể kiên nhẫn với bản thân, với mọi người và chính với cuộc sống. Bằng lòng kiên nhẫn, chúng ta có thể yêu thương bản thân mình, những người xung quanh, và thậm chí với cả những thử thách nghiệt ngã của cuộc đời. Tình yêu và lòng kiên nhẫn luôn ở bên nhau, hỗ trợ nhau nhiều điều!

(2) Một trong những tác giả vĩ đại nhất của thế kỷ 19, Henry Drummond, đã nhận xét trong tác phẩm nổi tiếng The Greatest Thing in the World rằng:“Thế giới không phải là một chốn để dạo chơi, nó là một trường học. Cuộc đời không phải là một kì nghỉ, nó là một quá trình đào tạo. Và luôn có một câu hỏi cho tất cả chúng ta là làm thế nào để ta có thể yêu thương nhau nhiều hơn”.

(3) Có thể lòng kiên nhẫn sẽ giúp bạn vượt qua mọi sóng gió của cuộc đời và tình yêu của bạn đối với bản thân cũng như những người xung quanh sẽ dẫn dắt bạn phát triển tính kiên nhẫn của mình, cho tới khi nó toả sáng trên thế giới và đem lại lợi ích cho tất cả!

(4) Hãy nhớ rằng, bằng tình yêu và lòng kiên nhẫn, chúng ta sẽ làm cho cuộc sống này tốt đẹp hơn.

(Trích Sức mạnh của lòng kiên nhẫn – M.J.Ryan, Hoàng Yến dịch, NXB tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2018, tr.232-233)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Theo tác giả, tình yêu và lòng kiên nhẫn được so sánh với điều gì?

Câu 2. Chỉ ra mối quan hệ giữa tình yêu và lòng kiên nhẫn được nhắc đến trong đoạn trích (1).

Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về ý kiến Thế giới không phải là một chốn để dạo chơi, nó là một trường học?

Câu 4. Nhận xét quan điểm của tác giả được thể hiện trong đoạn trích.

Câu 5. Hãy viết đoạn văn (khoảng 5-6 câu) trình bày suy nghĩ của em về sức mạnh của lòng kiên nhẫn.

II. PHẦN VIẾT (6.0 điểm):

Câu 1 (2.0 điểm): Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) để trả lời câu hỏi làm thế nào để ta có thể yêu thương nhau nhiều hơn?

Câu 2 (4.0 điểm):

Đọc 2 đoạn trích sau:

Đoạn trích 1

Vợ chồng ông An có cô con gái tên là Xuân đang học Đại học ở tận dưới xuôi, mùa hè thường ghé về nhà. Khi cô về, không khí ở chỗ chúng tôi như thay đổi hẳn. Khi cô đi, tất cả trở nên thẫn thờ, sự hiu quạnh buồn tẻ trước đây không ai nhận thấy bây giờ bỗng nhiên biểu hiện ra rõ ràng quá, cay đắng quá!
- Cái ghế này con bé Xuân nhà tôi hôm trước vẫn ngồi - Bà Hinh nói với chúng tôi - Xin các cậu đừng để dây nhọ nồi vào đấy! Cậu Thiềm, cậu có thấy mỗi lần con bé về nó lại xinh hơn ra không?
Doanh bảo:
- Nó càng ngày càng có vẻ khiêu dâm hơn thì có! Đấy là kết quả của việc tiếp thu văn minh đô thị. Bà mẹ tội nghiệp ạ, bà đang mất dần con gái bà đấy! Học vấn và tiện nghi sẽ làm móng vuốt của nó sắc nhọn ra, nước bọt của nó biến thành thuốc độc, tâm hồn của nó giăng như lưới nhện... Tôi thích cái bàn tay hái chè của nó ngày xưa, móng tay trụi thùi lụi, các ngón tay mòn đi chỉ bằng một phần ba ngón tay người thường, dưới lớp da "trần bì" khá dày của nó có rất nhiều lương tâm với lòng chẳng nỡ, còn bây giờ không cẩn thận là toàn vi trùng...
Bà Hinh tức điên lên:
- Đồ đểu! Tại sao miệng lưỡi mày độc ác thế hả Doanh?
Doanh bảo:
- Thôi thôi! Tôi không nói nữa. Chân lý bao giờ cũng trắng trợn nên khó nghe... Ừ thì con bà xinh, ừ thì con bà đẹp...
Bà Hinh bảo:
- Chứ không à? Cứ trông dáng đi của nó xem có kiêu sa không nào... Nó học ở thành phố là tốn kém lắm, tôi cho nó bao nhiêu tiền tôi cũng chẳng tiếc...
Bà Hinh nhớ con đến ngơ ngẩn người, như mất cả hồn, không để ý nên bữa ấy nấu cơm sống. Ông An bỏ cơm xách súng vào rừng đi săn.
Bà Hinh hỏi tôi:
- Cậu Thiềm! Cậu có thấy con bé nhà tôi thông minh không?
Doanh bảo:
- Đàn bà mà thông minh sẽ khó lấy chồng mà lấy chồng thì khó hạnh phúc.
Bà Hinh bảo:
- Chỉ mong nó được yên ổn.
Doanh bảo:
- Đấy đấy! Cái đấy mới cần! Yên ổn thì chẳng cần thông minh làm gì... Thế lần này nó đi, ông bà cho nó được bao nhiêu tiền?
Bà Hinh bảo:
- Có bao nhiêu tiền đưa cho nó hết nhưng chị chàng có vẻ không được bằng lòng... Bố mẹ nghèo thì con cái cũng bị thiệt thòi có phải không nào?
Doanh bảo riêng tôi:
- Tội nghiệp bà mẹ thực thà! Cậu có để ý đôi mắt trắng dã của con bé ấy không! Cô công chúa Lọ Lem này là người quyết liệt lắm đây! Cứ chờ đấy rồi nó báo hiếu!

(Trích Những người muôn năm cũ, Tập truyện Tướng về hưu, Nguyễn Huy Thiệp (1), NXB Văn hóa thông tin, 2011, tr.252)

Đoạn trích 2

… Thằng nhỏ tiu nghỉu nuốt nước miếng thở dài, bữa nay mất hứng gì đâu. Sáng mới chải đầu xong thì má nó càm ràm, riết rồi muốn gặp mặt con phải thức thiệt khuya, dậy thiệt sớm, nuôi con lớn bằng này, con đi nhận thiên hạ bằng má... Má thằng nhỏ đang giận, hôm qua bà nhìn thấy con trai rứt ruột, con trai thương yêu của bà hì hụi rửa chén giùm con bồ nó, trong căn nhà cách đây chừng trăm bước. Bà cảm giác mất con rồi, mất từng ngày, khi nó chở bồ đi chợ, nó vô bếp nhà người ta phụ nấu nướng, nó nằm dài nhà người ta coi phim trong khi phim ở nhà cũng giống hệt. Có bữa gánh trái cây ế về ngang, thấy thằng con múc nước cho con nhỏ gội đầu, bà muốn quăng gánh bên đường cho rồi.
Thằng nhỏ đâu biết, nó tưởng má nó lớn tuổi nên đổi tánh khó khăn, nên bà vừa định há miệng rầy rà là nó bỏ đi. Bữa nay không chạy khỏi vì chiếc xe đạp bị tuột sên, chắc nhỏ em phá “để anh Ba khỏi đi chở gái”. Nuốt giận ra tới quán cà phê, vừa mới vui, vị đắng mơn man trên môi, trôi chưa khỏi cổ họng thì gặp ông-già-không-biết này, đúng là rủi quá. Thằng nhỏ than thầm.
Nhưng bây giờ mà nín thinh luôn thì mất mặt với mấy người quen đang ngồi quán sáng nay đang thích thú theo dõi cuộc tranh cãi, nhất là có anh rể của con bồ đang tủm tỉm cười ngồi cạnh nó đây. Giữa cuộc giằng co vậy mà con em còn chạy lại kêu “chút nữa anh Ba về sửa cái máng cho má hứng nước mưa uống, khỏi tốn tiền đổi”. Thằng nhỏ gạt ngang “từ từ tao về”. Vài phút sau đó con bồ nó trên đường đi làm móng tay ghé lại dặn “chút nữa anh lại đóng giùm em mấy cây đinh máng khăn, hén”.
Nhỏ cố cười tươi gật gật đầu, nói để đó cho anh, nhưng bụng tính cách phản pháo ông già, mót chút vinh quang khi rời quán. Bằng bất cứ gì trong tầm mắt nó, từ gói thuốc lá, chai nước ngọt đến đôi dép mòn lẹm gót, cái nón nỉ bạc màu của ông già. Ông vẫn khăng khăng nói không biết, nhìn thấy hay nếm được hay cầm trong tay, ôm vào lòng, chưa chắc biết. Chữ của ông già là “thấy quen”, “nó gọi là”. Vờn nhau chán chê ông với tay hái trên trời xuống một câu choáng váng:
- Chú em vẫn không chịu sợ chữ “biết” hả? Vậy má chú đó, chú biết không? Biết bà nghĩ gì không? Vui hay buồn, thảnh thơi hay rối bời? Bà có đang thương nhớ ông nào?
Mất sạch kiên nhẫn, thằng nhỏ rít lên:
- Chớ ông không biết con mình?
- Không - ông già rút một ngàn đồng dằn dưới đáy ly trà đá cạn queo - tôi quen tụi nó.
Ngón tay trỏ quèo nón sụp che lại ánh mắt nhìn xuống tối rười rượi, ông già nắm chặt xấp vé số trong bàn tay xương xẩu, đứng dậy đi. Ai đó hình như từng hỏi han ông già, ngậm ngùi nhìn theo, ông đó nói phải à mầy, nuôi con biết đâu được cái ngày nó hắt mình ra đường chan dầm mưa nắng.
Ừa ai biết được... Bảy mươi ba buổi sáng sau, nơi quán cũ, thằng nhỏ tiu nghỉu ngó con bồ nó ăn mặc mong manh ôm sát thằng con trai khác lượn chiếc SH ngang qua, ai đó cà rỡn “biết nhỏ đó không mậy?”.
Thằng nhỏ gầm gừ trong cổ họng: “Không biết, thấy cái rốn quen quen...”.

(Trích “Biết” Nguyễn Ngọc Tư nguồn: https://isach.info/ )

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) so sánh hai đoạn trích trên để làm nổi bật nét đặc sắc trong giá trị hiện thực của mỗi đoạn trích.


Chú thích:

1. Nguyễn Huy Thiệp (1950-2021) sinh ở Thái Nguyên, là nhà văn có nhiều đóng góp trong việc đổi mới nội dung và hình thức nghệ thuật của văn xuôi Việt Nam đương đại. Truyện ngắn của ông đề cập đến nhiều vấn đề nóng hổi của đời sống đương đại và khá đa dạng trong cách viết.
* Truyện Những người muôn năm cũ trích trong tập truyện ngắn Tướng về hưu (1987).

2. Nguyễn Ngọc Tư sinh năm 1976, tại Đầm Dơi, Cà Mau. Là nữ nhà văn trẻ của Hội nhà văn Việt Nam. Cô sáng tác thành công ở nhiều thể loại: truyện ngắn, tản văn, tiểu thuyết. Văn của Nguyễn Ngọc Tư trong sáng, mộc mạc, thể hiện một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, giàu yêu thương.
* “Biết” là truyện ngắn được viết năm 2015.


I. ĐỌC (4.0 điểm):

Câu 1:

Câu 2:

Câu 3:

Câu 4:

Câu 5:

I. VIẾT (6.0 điểm):

Câu 1:

Câu 2:

Kết quả

Bài làm của bạn

Lời giải gợi ý

I. Đọc

II. Viết

I. Đọc

Câu 1 (2.0đ): Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) để trả lời câu hỏi Làm thế nào để ta có thể yêu thương nhau nhiều hơn?

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn (0.25đ):
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0.25đ):
Làm thế nào để ta có thể yêu thương nhau nhiều hơn?

c) Triển khai vấn đề nghị luận (1.0đ):
(Đây là câu hỏi mở, học sinh có nhiều cách bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình. Song ý kiến đưa ra phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức, phải hướng tới những điều tích cực).
- Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải trả lời được câu hỏi: "Làm thế nào để ta có thể yêu thương nhau nhiều hơn?"
- Có thể theo hướng: sống chân thành, bao dung, độ lượng, biết “mở lòng để đón những vang động của cuộc sống đời thường”; kiên nhẫn với chính bản thân mình và với mọi người; biết đặt mình vào người khác để thấu hiểu, cảm thông; cần có cái nhìn đa chiều, đúng đắn trước mọi vấn đề của cuộc sống;….
Hướng dẫn chấm:
+ Học sinh lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và dẫn chứng (1,0 điểm).
+ Học sinh lập luận chưa thật chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng nhưng không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không tiêu biểu (0,5 - 0,75 điểm)
+ Học sinh lập luận không chặt chẽ, thiếu thuyết phục: lí lẽ không xác đáng, không liên quan mật thiết đến vấn đề nghị luận, không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không phù hợp (0,25 điểm).
Lưu ý: Thí sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

d. Chính tả, ngữ pháp (0.25đ):
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu đoạn văn có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

e. Sáng tạo (0.25đ):
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có dẫn chứng, cách diễn đạt mới mẻ.
Hướng dẫn chấm: Thí sinh huy động được kiến thức và trải nghiệm của bản thân để bàn luận về vấn đề; có cách nhìn riêng, mới mẻ; có sáng tạo trong diễn đạt, lập luận, làm cho lời văn có giọng điệu, hình ảnh, đoạn văn giàu sức thuyết phục.

Câu 2 (4.0đ): Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) so sánh hai đoạn trích Những người muôn năm cũ (Nguyễn Huy Thiệp) và Biết (Nguyễn Ngọc Tư) để làm nổi bật nét đặc sắc trong giá trị hiện thực của mỗi đoạn trích.

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0.25đ):
Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0.5đ):
So sánh giá trị hiện thực của hai đoạn trích.
Hướng dẫn chấm:
- Thí sinh xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0,5 điểm.
- Thí sinh xác định chưa đầy đủ vấn đề nghị luận: 0,25 điểm.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm (3.0đ):
Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

* Giới thiệu khái quát về 2 tác giả, 2 đoạn trích (0.5đ)
1. Cảm nhận, phân tích các đoạn trích
* Cảm nhận về đoạn trích Những người muôn năm cũ - Nguyễn Huy Thiệp:
- Nội dung: Đoạn trích kể về sự thay đổi của Xuân – cô gái trẻ, sống ở miền núi – sau khi từ thành phố về. Trong con mắt của Doanh, Xuân trở nên xinh đẹp hơn nhưng tính cách đã đổi thay không còn được như xưa. Cô Xuân hiền lành, thuần hậu, biết quan tâm mọi người dường như đã biến mất. Thay vào đó là một cô gái thờ ơ , vô tâm, ít về thăm gia đình, chỉ đợi bố mẹ chăm sóc, cung phụng. Doanh còn dự đoán cô là đứa con bất hiếu khi biết được tất cả tiền có được bà Hinh đều đưa cho con gái nhưng đổi lại là sự không bằng lòng của Xuân. Còn với bà Hinh, người mẹ luôn mong nhớ và khao khát mọi điều tốt đẹp cho con mình thì Xuân lại rất xinh đẹp, khéo léo, kiêu sa.
- Giá trị hiện thực:
+ Từ câu chuyện cô con gái trẻ miền núi xuống thành phố không còn giữ được dáng vẻ và tính cách mộc mạc, hiền lành như trước đây, đoạn trích đặt ra vấn đề tha hoá của con người trước những cám dỗ của đời sống. Cuộc sống tiện nghi hào nhoáng nơi đô thị làm người ta dần quên mất gốc gác, xuất thân của mình, quên cả tình cảm gia đình ruột thịt thiêng liêng. Thay vào đó là lối sống thực dụng, chỉ biết hưởng thụ và vô ơn.
+ Đoạn trích cũng nêu ra sự khắc nghiệt, trần trụi của cuộc sống hiện đại: đàn bà thông minh khó lấy chồng, khó hạnh phúc; niềm hi vọng con gái yên ổn của người mẹ chưa chắc đã thành hiện thực; tình yêu thương và chăm lo vô bờ của người mẹ lại bị đứa con xem thường, thờ ơ…
+ Đoạn trích gợi lên những trăn trở, suy tư trong lòng người đọc về thế thái nhân tình; về sự hào nhoáng, xô bồ của cuộc sống hiện đại. Có nỗi niềm âu lo về sự tha hoá của con người và cả những khát khao về niềm hạnh phúc đong đầy trọn vẹn với một lối sống thuỷ chung, tình nghĩa.
- Nghệ thuật:
+ Ngôi thứ nhất - người kể chuyện hạn tri.
+ Sự thay đổi điểm nhìn tạo cái nhìn đa chiều về Xuân.
+ Nghệ thuật tạo tình huống truyện: Xuân , cô gái trẻ trở về miền núi từ thành phố.
+ Nghệ thuật xây dựng nhân vật: Tính cách nhân vật Doanh, bà Hinh được bộc lô qua lời nhận xét, đánh giá về Xuân.
+ Nghệ thuật tạo dựng đối thoại chân thực, lôi cuốn
+ Ngôn ngữ mang đậm hơi thở đời thường, dung dị mà sinh động
* Cảm nhận về đoạn trích Biết – Nguyễn Ngọc Tư:
- Nội dung: Đoạn trích kể về câu chuyện giữa thằng nhỏ và ông - già – không - biết, ba vợ hụt của nó. Thằng nhỏ si mê con bé thường hì hụi rửa chén, phụ nấu nướng, giùm con bồ nó, múc nước cho con nhỏ gội đầu. Má nó vừa thương xót con trai, vừa ghen tị vì con giành tình cảm cho người khác nên thường rầy la nó. Con em nhỏ cũng hùa theo phá nó. Sau tất cả, thằng nhỏ vẫn kiên định với tình yêu của mình. Nói chuyện với ông già, ông luôn khăng khăng nói không biết, chưa chắc biết, phải sợ chữ biết. Thằng nhỏ không chịu, cự cãi. Song bảy mươi ba buổi sáng sau, nơi quán cũ, thằng nhỏ đành phải tiu nghỉu nhìn cảnh người yêu nó ôm người khác và chấp nhận là người không quen.
- Giá trị hiện thực:
+ Câu chuyện tình yêu thời hiện đại của giới trẻ gợi lên bao suy ngẫm. Gạt bỏ tình cảm gia đình, mải mê theo đuổi tình yêu nhưng nắm bắt được là điều không dễ, lòng người đổi thay khó đoán, nay gần mai xa, ranh giới giữa quen thân và xa lạ thật mong manh. Hậu trường của tình yêu đôi lứa đầy trớ trêu, bi hài.
+ Đoạn trích còn chứa đựng triết lí sâu sắc về cuộc đời: khó có thể dự đoán được tương lai, biết hay không biết đều mơ hồ, hư ảo. Nhiều khi con người ta phải biết bằng lòng với thực tại, phải chung sống cùng nỗi đau, trao đi yêu thương chưa chắc đã được nhận lại, chỉ biết dựa vào chính mình .
- Nghệ thuật:
+ Ngôi kể thứ ba.
+ Cốt truyện giản đơn mà giàu kịch tính
+ Kết thúc mở gợi bao suy ngẫm
+ Chi tiết nghệ thuật chọn lọc, sinh động, giàu ý nghĩa.
+ Nghệ thuật xây dựng nhân vật đặc sắc làm nổi bật tính cách trẻ con, bồng bột của thằng nhỏ.
+ Nghệ thuật tạo dựng đối thoại chân thực, lôi cuốn
+ Ngôn ngữ đời thường sinh động, giàu sắc thái Nam bộ
2. So sánh các đoạn trích
a. Nét tương đồng
- Nội dung:
+ Đều phản ánh những vấn đề của con người trong cuộc sống hiện đại với những sự thật éo le, khắc nghiệt, trần trụi. Ngay đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái dường như cũng trở nên khác lạ, một chiều.
+ Đều bộc lộ những chiêm nghiệm, suy ngẫm lẫn trăn trở âu lo của người nghệ sỹ về tình đời và phận người.
- Nghệ thuật: Nghệ thuật tự sự độc đáo, kết hợp nhiều điểm nhìn, xây dựng nhân vật có tính cách riêng biệt, tạo dựng đối thoại sinh động, mang màu sắc triết lí về cuộc đời và con người…
b. Nét khác biệt:
- Nội dung:
+ Ở đoạn trích Những người muôn năm cũ (Nguyễn Huy Thiệp), mối quan hệ gia đình đã nhuốm màu thực dụng bởi sự tha hoá của cô con gái, còn ở đoạn trích Biết (Nguyễn Ngọc Tư), tình cha con bạc bão mới ở trong dự cảm của người cha già.
+ Dư vị xót xa cay đắng xen lẫn mỉa mai đọng lại trong kết thúc của đoạn trích Những người muôn năm cũ (Nguyễn Huy Thiệp), còn ở cuối đoạn trích Biết (Nguyễn Ngọc Tư) còn có cả kịch tính đầy bi hài.
- Nghệ thuật: Ngôn ngữ trong đoạn trích Những người muôn năm cũ- Nguyễn Huy Thiệp nghiêng về đối thoại còn ở đoạn trích Biết – Nguyễn Ngọc Tư ngôn ngữ trần thuật mang đậm màu sắc Nam bộ.
3. Lí giải sự tương đồng, khác biệt giữa hai đối tượng.
- Do bối cảnh xã hội, văn hóa vùng miền .
- Do phong cách riêng của mỗi nhà văn.
Hướng dẫn chấm:
- Phân tích đầy đủ, sâu sắc: 2,0 điểm - 2,5 điểm
- Phân tích chưa đầy đủ hoặc chưa sâu : 1,0 điểm - 1,75 điểm.
- Phân tích chung chung, sơ sài: 0,25 điểm - 0,75 điểm.

d. Chính tả, ngữ pháp (0.25đ):
Đảm bảo chuẩn chính tả, từ ngữ, ngữ pháp tiếng Việt.
Lưu ý: Không cho điểm nếu bài mắc quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

e. Sáng tạo (0.5đ):
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc, có ý tưởng riêng phù hợp với vấn đề nghị luận; có cách lập luận, diễn đạt mới mẻ.
Hướng dẫn chấm: Thí sinh biết vận dụng lí luận văn học trong quá trình phân tích, đánh giá;; biết liên hệ vấn đề nghị luận với thực tiễn đời sống; văn viết giàu hình ảnh, cảm xúc.
- Đáp ứng được 2 yêu cầu trở lên: 0,5 điểm.
- Đáp ứng được 1 yêu cầu: 0,25 điểm.

II. Viết

Xác nhận thoát?

Do Chạm Văn chưa cập nhật tính năng lưu lịch sử làm bài, bài viết của bạn có thể bị xóa.

Tip: Dùng chuột kéo góc dưới bên phải của ô trả lời sẽ "kéo dài" ô đó, giúp bạn dễ nhìn bài viết hơn.