II. PHẦN VIẾT (6.0 điểm):
Câu 1 (2.0 điểm): Viết đoạn văn (Khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của việc theo đuổi những những đam mê tích cực trong cuộc sống.
Câu 2 (4.0 điểm):
Đọc 2 đoạn văn bản sau:
Văn bản 1
…Nhà mẹ Lê là một gia đình một người mẹ với mười một ngươì con. Bác Lê là một người đàn bà quê chắc chắn và thấp bé, da mặt và chân tay nhăn nheo như một quả trám khô. Khi bác mới đến phố, ai ai cũng chú ý đến đám con của bác: mười một đứa, mà đứa lớn mới có mười bảy tuổi! Đứa bé nhất hãy còn bế trên tay.
Mẹ con bác ta ở một căn nhà lá. Chừng ấy người chen chúc trong một khoảng rộng độ bằng hai chiếc chiếu, có mỗi một chiếc giường nan gãy nát. Mùa rét thì trải ổ rơm đầy nhà, mẹ con cùng nằm ngủ trên đó, trông như một cái ổ chó, chó mẹ và chó con lúc nhúc. Đối với người nghèo như bác một chồ ở như thế cũng tươm tất lắm rồi. Nhưng còn cách kiếm ăn? Bác Lê chật vật, khó khăn suốt ngày cũng không đủ nuôi từng ấy đứa con. Từ buổi sáng tinh sương, mùa nực cũng như mùa rét, bác ta đã phải trở dậy để đi làm mướn cho những người trong làng. Những ngày có người mướn ấy, tuy bác phải làm vất vả, nhưng chắc chắn buổi tối được mấy bát gạo và mấy đồng xu về nuôi lũ con đói đợi ở nhà.
Đó là những ngày sung sướng. Nhưng đến mùa rét, khi các ruộng lúa đã gặt rồi, cánh đồng chỉ còn trơ cuống rạ, dưới gió bấc lạnh như lưỡi dao sắc khía vào da, bác Lê lo sợ, vì không ai mướn bác làm việc gì nữa. Thế là cả nhà nhịn đói, mấy đứa nhỏ nhất: con Tý, con Phún, thằng Hy mà con chị nó bế, chúng nó khóc lả đi mà không có cái ăn. Dưới manh áo rách nát, thịt chúng nó thâm tím lại vì rét như thịt con trâu chết. Bác Lê ôm lấy con trong ổ rơm, để mong lấy cái ấm của mình ấp ủ cho nó. Thằng con lớn thì từ sáng đã cùng thằng Ba ra cánh đồng kiếm con cua, con ốc, hay sau mùa gặt, đi mót những bông lúa còn sót lại trong khe ruộng. Thật là sung sướng, nếu chúng mang về được một lượm, trong những ngày may mắn. Vội vàng bác Lê đẩy con ra, vơ lấy bó lúa, đem để xuống dưới chân vò nát, vét hột thóc giã lấy gạo. Rồi làm một bữa cơm nóng lúc buổi tối giá rét, mẹ con ngồi chung quanh nồi cơm bốc hơi, trong khi bên ngoài gió lạnh rít qua mái tranh.
(Lược đoạn cuối: Mấy năm sau, việc kiếm ăn ngày một khó khăn. Đến mùa giá rét đàn con đói ôm nhau trong căn nhà lạnh lẽo, tối tăm. Nhà không còn gì để ăn, liều mình bác Lê sang nhà ông Bá xin gạo, bị chó cắn…Sau đó bác Lê lên cơn sốt và ra đi mãi mãi.)
(Trích truyện ngắn Nhà mẹ Lê, – Thạch Lam, 1942)
Văn bản 2
(Lược đoạn đầu: Dì Diệu là người phụ nữ không thể có con theo cách tự nhiên bởi có khối u nhỏ ở buồng trứng. Vì thế, dì và chồng đã quyết định nhờ chị Lành, một người phụ nữ hiền lành, lỡ thì giúp họ có con. Đang lúc khó khăn về tiền bạc, chị Lành đã nhận lời giúp đỡ vợ chồng dì Diệu bằng việc mang thai hộ. Việc này đã khiến mối quan hệ giữa hai người phụ nữ trở nên gắn bó, họ yêu thương nhau.)
…Một sáng, chị Lành biến mất. Dì Diệu kêu chú Đức về, nước mắt ròng ròng khi thấy bóng chồng qua cửa. Chú đau lòng bảo thôi bỏ đi, dì Diệu cãi, "em bỏ không đành, anh à". Chú cũng thấy rằng bỏ không được. Máu mủ ruột ràng mình mà bỏ sao được. Hai người đi tìm xơ bơ xấc bấc. Không có, không gặp. Dì Diệu về quê, bà mẹ già chị Lành tay run bẩn, vừa đau vừa xót.
- Vậy ra nó không nói gì với cô sao.. Tui hay tin nó hư hỏng, tôi từ nó rồi, tui tính bỏ nó luôn, nhưng thiệt tình tui thương nó lắm, phải nó về, tui cũng nuôi.
Dì Diệu lau nước mắt cho mẹ chị Lành, lòng nghĩ, làm sao mình lại để ra nông nỗi nầy. Dì không tiếc tiền của, sông sức, dì cũng không tiếc tình thương dồn đắp cho chị Lành, dì chỉ cảm thấy xót xa cho mình "làm người thì ai lại đi giành con với người ta", dì luôn dằn vặt vậy.
Dì Diệu bỏ sạp vải tối ngày chạy xe long rong ngoài đường để may ra tìm được bóng người. Khi đã không trông chờ gì, một ngày, khi mở cửa, dì Diệu nhìn thấy chị Lành đang ngồi ngoài hàng ba và khóc.
Những người có tình có nghĩa, dễ gì bỏ được nhau.
Dì Diệu cắn cho môi vằn đỏ dấu răng, dì ôm chị Lành vào lòng rất chặt. Dì cảm nhận được từ trái tim bàn chân bé bỏng của đứa bé đang lòi chòi. Nó háo hức nằm giữa hai tấm lòng của hai bà mẹ.
Dì Diệu đi lấy tờ hợp đồng ra và đốt cháy thành một tờ tro mỏng. Đôi khi người ta hay bày chuyện nầy chuyện nọ để làm xao động cuộc đời đang hết sức yên bình, lãng nhách vậy đó..
(Trích truyện ngắn Làm mẹ – Nguyễn Ngọc Tư)
Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) so sánh 2 đoạn văn trên để làm rõ thân phận và phẩm chất của người phụ nữ qua cái nhìn của mỗi nhà văn.
Chú thích:
– Tác giả Thạch Lam (1910 – 1942), tên thật là Nguyễn Tường Vinh (sau đổi thành Nguyễn Tường Lân), là thành viên nhóm Tự lực văn đoàn. Ông có quan niệm văn chương tiến bộ, lành mạnh: văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực, nó tác động sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm của con người. Sáng tác thường hướng vào cuộc sống cơ cực của những người dân thành thị nghèo và vẻ đẹp nên thơ của cuộc sống thường nhật. Thạch Lam đã hướng ngòi bút về phía lớp người lao động bần cùng trong xã hội đương thời. Qua đó bộc lộ tấm lòng nhân hậu chân chứa yêu thương của nhà văn dành cho con người.
– Tác giả Nguyễn Ngọc Tư sinh năm 1976 tại huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, là thành viên Hội nhà văn Việt Nam. Từ thuở nhỏ, chị có niềm đam mê đặc biệt cho việc viết lách như một cách giải tỏa và thể nghiệm. Với giọng văn đậm chất Nam Bộ, mềm mại nhưng vô cùng sâu cay về số phận và cuộc đời éo le chìm nổi, những tác phẩm của chị Tư thấm đẫm cái chất miền quê, tình của làng, của đất, đặc biệt là tình cảm của con người chân chất hồn hậu nhưng gặp nhiều bất hạnh trong cuộc sống. Với nhiều đóng góp cho văn học, chị Tư được tôn vinh là một trong mười nhân vật trẻ xuất sắc tiêu biểu của năm 2002.