Câu 1 (2.0đ): Hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về giải pháp giúp các bạn trẻ rời xa thế giới ảo.
a. Đảm bảo yêu cầu hình thức đoạn văn (0.25đ):
Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0.25đ):
Giải pháp giúp các bạn trẻ rời xa thế giới ảo.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận (0.5đ):
Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
- Sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả.
- Có lối sống lành mạnh, tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện, hoạt động xã hội để có cuộc sống ý nghĩa.
- Tuyên truyền cho mọi người biết về tác hại của việc sống ảo để mọi người có lối sống tích cực.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau (0.5đ):
- Lựa chọn các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận: thế hệ trẻ cần làm gì để tránh xa sự cám dỗ của thế giới ảo.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống ý
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và dẫn chứng.
đ. Diễn đạt (0.25đ):
- Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp, tiếng việt, liên kết câu trong đoạn văn.
- Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện sâu sắc về vấn đề nghị luận.
e. Sáng tạo (0.25đ):
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2 (4.0đ): Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) so sánh nhân vật bà cụ và cô Hiền trong hai văn bản trên.
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài (0.25đ):
Xác định được yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận văn học.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0.5đ):
So sánh nhân vật bà cụ và cô Hiền trong hai văn bản trên.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận (1.0đ):
- Xác định được các ý chính của bài viết
- Sắp xếp các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:
* Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận
* Nhân vật bà cụ trong văn bản 1:
- Một bà mẹ già nua, gầy guộc, bé nhỏ
- Số phận đáng thuơng: cuộc sống lam lũ, vất vả; chịu những thương đau và mất mát do chiến tranh
- Một người phụ nữ với tình yêu thương con, tình mẫu tử đẹp đẽ thiêng liêng.
-> Tiêu biểu cho số phận của những người mẹ, người vợ chịu nhiều nỗi đau bởi chiến tranh
- Nghệ thuật khắc họa nhân vật:
+ Khắc họa nhân vật qua những chi về ngoại hình, lời nói, hành động, cử chỉ, qua nhiều điểm nhìn…
+ Tự sự kết hợp với miêu tả
+ Lựa chọn chi tiết đặc sắc
+ Giọng xót xa, thương cảm
+ Đặt nhân vật vào tình huống độc đáo
* Nhân vật cô Hiền ở Văn bản 2:
- Xuất thân từ một gia đình nề nếp, gốc Hà Nội
- Là một người phụ nữ thông minh, thức thời, tháo vát, luôn có ý thức giữ gìn nề nếp gia phong, yêu Hà Nội
- Thẳng thắn, giàu lòng tự trọng
-> Tiêu biểu cho vẻ đẹp của người Hà Nội
- Nghệ thuật khắc họa nhân vật: Hiện lên qua điểm nhìn của nhân vật Tôi, cái nhìn đa diện, đa chiều.. có sự đan xen giữa giọng tác giả và giọng nhân vật; giọng ngợi ca, ngưỡng mộ…
* So sánh nét tương đồng
- Khắc họa nhân vật qua điểm nhìn của nhân vật “tôi”, tạo nên tính chân thực, khách quan, lời kể kết hợp tả, bình, lựa chọn những chi tiết tiêu biểu,
- Những người phụ nữ hiện lên với những vẻ đẹp đáng quý, đáng trân trọng
* So sánh điểm khác
- Khắc họa nhân vật bà Cụ, tác giả chú ý miêu tả những chi tiết bên ngoài, ngôn ngữ bình dị, mộc mạc hiện lên hình ảnh của người mẹ nông dân lam lũ, nghèo khổ với nhiễu nỗi đau -> từ đó thể hiện niềm cảm thương cho số phận của người phụ nữ, đồng thời bộc lọ rõ những trở trăn về số phận con người về chiến tranh
- Khắc họa nhân vật ở cái nhìn đa diện, đa chiều, ngôn ngữ đậm màu sắc triết lí -> hiện lên hình ảnh của người Hà Nội thuần túy không pha trộn -> Trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp của cô Hiền, của người Hà Nội
* Nguyên nhân giống và khác biệt:
- Hoàn cảnh sáng tác: sau 1975, quan tâm tới số phận con người, con người cá nhân, cái nhìn về đời tư, thế sự…
- Phong cách sáng tác.
- Yêu cầu của sáng tạo nghệ thuật.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau: (1.5đ)
- Triển khai ít nhất ba luận điểm để làm rõ quan điểm cá nhân.
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và bằng chứng.
Lưu ý: Thí sinh có thể trình bày suy nghĩ quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
đ. Diễn đạt (0.25đ)
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp, tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo (0.5đ)
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.
Đoạn và bài tham khảo
Câu 1:
Xã hội 4.0 nổ ra với tên gọi là cuộc cách mạng kĩ thuật số, đưa loài người đến gần hơn với thế giới đầy điều kỳ của công nghệ. Thế nhưng, phải chăng con người, đặc biệt là giới trẻ đang ngày càng chìm sâu vào thứ gọi là thế giới ảo này, và câu hỏi đặt ra là làm cách nào để thoát khỏi "ổ kén” ấy. Sống trong thế giới ảo là khi con người giao tiếp, gặp gỡ, làm tất cả mọi thứ trên Internet. Ban đầu chỉ là xem, tương tác trên mạng. Lâu dần, việc dùng mạng xã hội ngày càng trở nên thường xuyên, cho đến khi nhận ra, nó đã trở thành một thứ không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Ta còn lạ gì hình ảnh những bạn trẻ, trên tay luôn kè cặp chiếc điện thoại để chực chờ tin nhắn, mắt dán chặt vào những hình ảnh, video vô bổ, đi đến đâu cũng giơ điện thoại để quay lại rồi giật tít câu like. Liệu đến lúc nào giới trẻ mới có thể nhận ra, bản thân đã phí hoài thời gian, sức lực, tiền bạc, đã lãng quên những giá trị xung quanh ra sao, trái tim, tâm hồn đã trở nên khô cằn héo úa từ khi nào? Quả thực, đây là một vấn đề rất cấp thiết, khi chủ nhân tương lai của thế giới ngày càng đánh mất chính mình, nếu không sớm thì muộn, họ cũng sẽ đánh mất cả thế giới. Nhận thấy được tình hình nguy hại như vậy, thì làm sao để giới trẻ bước ra khỏi ổ kén đầy cảm dỗ ấy? Trước tiên, hãy bỏ điện thoại xuống, sống chậm lại 1 chút, lắng lọc lại tâm hồn. Nhìn nhận lại bản thân, tự vẫn chính mình rằng, thời gian qua, mình đã nhận được gì, mình đã đánh mất những gì. Chỉ khi ta tự mình nhận thức được, tự mình đánh thức bản thân, thì lúc đó mới có thể bước ra khỏi thế giới ảo đang ngày càng nuốt chửng ta đó. Nhìn lại bản thân, ta cũng hãy nhìn ra thế giới rộng lớn ngoài kia nữa, dành ra vài phút để ngắm nhìn vạn vật xung quanh, để từ đó nhận ra cuộc sống này vốn đẹp đẽ đến thế, vốn đáng yêu bình dị mà ta đã trót lỡ lãng quên. Thay vì bỏ phí thời gian để dùng internet, hãy dùng quỹ thời giờ đó mà trò chuyện với một người bạn, để tìm đọc một cuốn tiều thuyết hay, để bước ra cuộc sống đầy nhiệm màu ngoài kia. Bên cạnh đó, tự giáo dục chính mình, đồng thời cũng hãy giáo dục những người xung quanh. Các bạn trẻ hãy tự nhủ với nhau rằng, chúng ta sinh ra là con người, cuộc sống của chúng ta là trước mắt chứ không nằm trên chiếc màn hình điện thoại, đừng mê muội mà để thế giới ảo xâm chiếm cuộc sống thực. Tuy vậy, ta cũng không nên phủ định tầm quan trọng của công nghệ, nếu không theo kịp thời đại mới, ta có thể bị bỏ lại phía sau; nhưng cũng nên nhớ, nếu quá đắm chìm vào đó, một ngày ta sẽ đánh mất chính mình. Cuộc đời này ngắn lắm, hãy trải nghiệm nhiều hơn, yêu thương nhiều hơn, đừng để phí hòai, phí mãi sức trẻ bạn nhé.
Câu 2:
Nguyễn Văn Siêu đã từng cho rằng : “ Văn chương có loại đáng thờ và loại không đáng thờ, loại không đáng thờ là loại chuyên chú ở văn chương, loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người”. Văn chương muôn đời là vậy, hướng về con người và vì con người. Và từ đoạn trích trong “ Mây trắng còn bay” của nhà văn Bảo Ninh và "Một người Hà Nội" của nhà văn Nguyễn Khải ta sẽ hiểu hơn về con người qua hai nhân vật bà cụ và cô Hiền.
Đi giữa đại ngàn văn chương, nếu như Bảo Ninh xuất hiện với những suy tư nặng trĩu, những nỗi đau mất đi người thương ngay trước mắt, mà trải hết lòng vào trong áng văn. thì Nguyễn Khải lại mang đến cho văn chương nước nhà một ngòi bút giàu chất triết luận, nhưng thể hiện cảm hứng lãng mạn để ca ngợi con người và quan tâm đến số phận con người. Hai nhà văn- hai “ dấu vân tay riêng” để lại cho văn đàn một dấu triện đặc biệt
Truyện ngắn "Mây trắng còn bay" của cây bút Bảo Ninh ra đời vào giai đoạn 1975 - đất nước đang đổi mới toàn diện nhưng những dư âm về chiến tranh loạn lạc, tàn khốc vẫn còn đó. Bảo Ninh đã “ đặt bàn viết của mình giữa cuộc đời”, ôm những bà mẹ anh hùng vào lòng mà khắc họa nên hình ảnh bà cụ trong câu chuyện. Nhân vật bà cụ trong đoạn trích được nhà văn tái hiện thật rõ nét và cảm động. Chỉ được vẽ nên bằng một vài từ ngữ “ già”, “ gầy guộc” nhưng cũng đủ để bạn đọc thấy rằng bà cụ là một người hiện lên với dáng người gầy gò, ốm yếu, già nua. Đồng thời, qua lời nói của bà cụ trên máy bay “ Bác ơi, van bác... Chẳng là, bác ạ, bữa nay giỗ thằng cả nhà tôi. Non ba chục năm rồi, bác ơi, tôi mới lên được đến miền cháu khuất.” khiến cho bạn đọc vô cùng đồng cảm và xót thương. Thì ra, bà là một người mẹ lam lũ, vất vả khốn khó, phải chịu nỗi đau mất đi đứa con trai thân yêu từ cuộc chiến tranh gay gắt. Vâng ! lời nói “ van bác”, “ bác ơi” nhẹ nhàng mà nhói đau biết bao. Người con ấy đã ra đi, ra đi để bảo vệ vùng trời của Tổ Quốc. Đau đớn thay hình ảnh “hai bàn tay chắp lại Trên chiếc bàn gấp bày đĩa hoa cúng, nải chuối xanh, mấy cái phẩm oản và ba cây nhang cắm trong chiếc cốc thuỷ tinh đựng gạo. Một bức ảnh ép trong tấm kính cỡ bàn tay để dựng vào thành cốc.”. Bà cụ mang tấm lòng yêu thương con tha thiết, đến miền đất con đã hy sinh mà cúng bái. Vậy đấy! Tấm lòng người mẹ bao la đến nỗi không có áng văn, áng thơ nào có thể tả xiết, không có một ngòi bút nào có thể định nghĩa nổi. Như vậy với nghệ thuật khắc họa nhân vật bằng lời nói, hành động, cử chỉ cùng việc kết hợp tự sự miêu tả và cách lựa chọn chi tiết đặc sắc, giọng văn nhẹ nhàng sâu lắng nhà văn Bảo Ninh đã khắc họa hình ảnh người mẹ tảo tần, mang đầy nỗi đau của chiến tranh cũng như chan chứa tình yêu thương con. Đó phải chăng cũng là hiện thân của bao người mẹ, người bà trong cuộc chiến tranh?
Bên cạnh đó, dừng chân tại truyện ngắn “ Một người Hà Nội” sáng tác năm 1990, là một tác phẩm tiêu biểu cho truyện ngắn của Nguyễn Khải thời kì đổi mới. Đoạn trích trên đã đi sâu vào miêu tả tính cách con người đáng quý của nhân vật Cô Hiền. Qua ngòi bút tài năng của nhà văn, ta biết rằng cô Hiền là một người sinh ra từ một gia đình nề nếp của mảnh đất Hà Nội. Cô “ không lấy một ông quan nào hết, cũng chẳng hứa hẹn với đám nghệ sĩ văn nhân”, cô “chọn bạn trăm năm là một ông giáo cấp tiểu học hiền lành, chăm chỉ”. Chỉ qua một vài chi tiết đắt giá cũng đủ để bạn đọc thấy được một nét cá tính trong tính cách của cô Hiền. Chưa dừng lại ở đó, qua lời nói và hành động của cô thể hiện cô còn là một người phụ nữ thẳng thắn, thông minh, hoạt bát. Sau khi sinh đứa con thứ năm, Cô Hiền đã thẳng thắn nói với chồng rằng : “Từ nay là chấm dứt chuyện sinh đẻ, bốn mươi tuổi rồi, nếu ông và tôi sống đến sáu chục thì con út đã hai mươi, có thể tự lập, khỏi sống bám vào các anh chị”. Dường như lời nói có vẻ hơi lạnh lùng nhưng đó là bản chất của một người phụ nữ Hà Nội. Và qua lời nói của cô dành cho nhân vật “ tôi” : “Mày bắt nạt vợ mày quá, không để nó tự quyết định bất cứ việc gì, vậy là hỏng. Người đàn bà không là nội tướng thì cái gia đình ấy cũng chẳng ra sao”. Quả thực, những lời nói thẳng thắn, đi thẳng vào vấn đề cùng quan điểm sống rõ ràng đã tạo nên một nét đẹp riêng của cô Hiền hay những người phụ nữ Hà Nội. Đặc biệt hơn cả, trong trái tim cô Hiền vẫn giữ mãi tình yêu, lòng tự hào và tôn trọng những nét văn hóa đặc sắc của Hà Nội. Điều đó được thể hiện rõ qua cách cô hướng dẫn, bày chỉ cho những đứa con của mình. Cô Hiền ân cần “sửa chữa cách ngồi, cách cầm bát cầm đũa, cách múc canh, cả cách nói chuyện trong bữa ăn”, và dạy những đứa con phải nói năng có chuẩn mực, không được sống một cách tùy tiện. Cách xưng hô “chúng mày”, “ tao” mang đậm hơi thở của mảnh đất Hà Nội thân thương. Như vậy, với ngôn từ giản dị gần gũi, có sự đan xen giữa giọng tác giả và nhân vật cùng cái nhìn đa chiều đã làm nổi bật hình ảnh cô Hiền với những phẩm cách đáng quý của con người Hà Nội.
Suy cho cùng, bằng tài năng của mình, hai nhà văn chân chính Bảo Ninh và Nguyễn Khải đã khắc họa nhân vật vô cùng đặc sắc. Cả hai nhân vật đều được hiện lên dưới điểm nhìn của nhân vật “ tôi” tạo nên sự khách quan, chân thực. Đồng thời với nghệ thuật khắc họa nhân vật đặc sắc và cách kể, tả, lựa chọn chi tiết tiêu biểu đã góp phần làm cho hai nhân vật hiện lên sâu sắc, rõ nét và đi sâu vào lòng bạn đọc bao thế hệ. Tuy nhiên, nếu như không có điểm khác nhau thì chẳng khác nào là sự “ tự sát “ trong văn chương . Trong “ Mây trắng còn bay”, bà cụ được khắc họa chủ yếu thông qua hành động, cử chỉ, lời nói và ngôn từ bình dị, mộc mạc làm hiện rõ lên hình ảnh một người mẹ in hằn khổ cực, vất vả mà chứa chan đầy tình yêu thương . Trái lại, cô Hiền trong đoạn trích “ Một người Hà Nội” lại nổi bật với ngòi bút đa chiều, đa sắc, mang nét cá tính riêng và không trộn lẫn với bất kì một người nào khác. Tựu chung lại, mặc dù mỗi nhân vật mang một hoàn cảnh, một tính cách riêng nhưng phẩm chất và tấm lòng của họ là vô cùng đáng quý và đáng trân trọng.
Có lẽ rằng, như nhà văn Tuôc ghê nhép đã từng nói: “Điều quan trọng ở mỗi nhà văn là phải tìm giọng nói riêng của mình mà không thể tìm thấy trong cổ họng của bất kì người nào khác”. Chính bởi quy luật lao động sáng tạo nghệ thuật, mà tạo nên sự giống nhau và khác nhau trong hai đoạn trích. Một tác phẩm sáng tác năm 1975 và một tác phẩm ra đời năm 1990 hiển nhiên sẽ có những cái nhìn, những quan điểm khác nhau về nghệ thuật. Hơn bao giờ hết, văn chương nghệ thuật muôn đời sẽ đào thải những cây bút không tìm cho mình một lối đi riêng, không tự tạo ra cho mình một mảnh đất trên cuộc đời văn chương. Bởi vậy mà hai truyện ngắn, hai đoạn trích, hai nhân vật dẫu có nét giống nhau nhưng vẫn tạo được ấn tượng riêng.
“Một tác phẩm kết thúc là khi sự sống của nó mới thực sự bắt đầu”. Tin rằng, bằng tài năng và tấm lòng của những nhà văn chân chính, Bảo Ninh Nguyễn Khải sẽ cùng truyện ngắn của mình sống mãi với thời gian và sống mãi trong trái tim bạn đọc bao thế hệ.