Bài luận giới thiệu bản thân của anh Nguyễn Lâm Gia Bảo trong kì tuyển sinh vào trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn.

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

BÀI LUẬN GIỚI THIỆU BẢN THÂN

Kính gửi: Ban giám hiệu, Hội đồng tuyển sinh trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Em tên là Nguyễn Lâm Gia Bảo, hiện là học sinh của lớp 12A9 trường THPT Châu Thành, Thành phố Bà Rịa, Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu

Hôm nay, em viết bài luận này với hoài bão được xét tuyển vào ngành Báo chí và Tâm lý học giáo dục của trường mình thông qua phương thức Ưu tiên xét tuyển 5.1. 

Đầu tiên, em đã cố gắng trau dồi những kĩ năng mà một sinh viên ngành Báo chí và Tâm lý học giáo dục rất cần từ khá sớm. Hành trình ấy bắt đầu khi bản thân em nhận ra mình vô cùng thích “viết”, thích “đi đây đi đó”, thích “trải nghiệm”, thích “giao tiếp” và thích “tương tác và tạo mối quan hệ tích cực với mọi người xung quanh”. Chính vì vậy mà từ những năm cấp ba, em đã dành đam mê với môn Ngữ Văn và đạt được những thành công đáng trông đợi như: giải Nhì Olympic 27/4 cấp tỉnh năm lớp 10, giải Ba Olympic 27/4 cấp tỉnh năm lớp 11, giải Ba Học sinh giỏi cấp tỉnh năm lớp 12, giải Ba cuộc thi “Điều em muốn nói” và thử sức tham gia cuộc thi phản biện “Tiếng nói Cters” do trường THPT Châu Thành tổ chức. 

Điều đặc biệt nhất là em đã bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của tính tổ chức và khả năng nhạy bén trong việc nắm bắt thông tin từ trên mạng đến cuộc sống hằng thường. Do đó, em đã cố gắng tham gia những câu lạc bộ trong trường như: CLB “Góc nhỏ văn học”, CLB nhảy “UP Crew” để mở mang cho bản thân những kinh nghiệm và trải nghiệm trong việc hoạt động nhóm, tạo kết nối, lĩnh ngộ nhiều kĩ năng quy tụ, lên ý tưởng, tập luyện, chia sẻ và thấu hiểu… Trong số đó phải kể đến em đã trở thành biên đạo chính cho CLB nhảy và thường được các giáo viên trong trường mời đến các buổi học bồi dưỡng Học sinh giỏi để đồng hành, tiếp lửa cho các em khoá dưới. Chung quy lại, tuy vẫn còn rất nhiều thiếu sót trong quá trình học hỏi những kĩ năng cần thiết cho bản thân, nhưng có thể nói, đây là hành trình đầy nổ lực và quyết tâm của chính em để thực hiện được hoài bão của mình.

Về lí do chọn ngành Báo chí và Tâm lý học giáo dục, điều đó xuất phát từ hai mục tiêu chính: vì gia đình và vì bản thân mình. Từng là nạn nhân của bodyshaming khi quá khứ nặng tới 103 kg, em hiểu hơn ai hết hoàn cảnh, tâm trạng, tâm lý, hành động và thời gian khó khăn nhất của nạn nhân và em muốn trở thành một nhà báo, một nhà tư vấn tâm lý để có thể góp thêm một tiếng nói bảo vệ, động viên, an ủi những người bị bạo lực xã hội đè nén. Do đó, em đã có những hoạch định rõ ràng như: em thường lui về những địa điểm hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm về nghề báo chẳng hạn năm 2018, em đã có dịp tham gia buổi talkshow “Nghề báo” của trường Đại học Kinh tế- Tài chính (UEF) tổ chức với sự góp mặt của chú Bùi Tiến Dũng (Trưởng ban quốc tế- Báo Tuổi trẻ) và chú Trần Mạnh (phóng viên nhiều năm kinh nghiệm cũng tại Báo Tuổi trẻ). Lần đó, em đã chợt vỡ lẽ ra về tinh thần trách nhiệm và lối sống làm việc hàng ngày của những người làm trong nghề báo. Đồng thời, thật quý giá khi em đã có dịp gặp và học hỏi nhiều kiến thức tâm lý từ tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A trong lần cô có dịp tới trường THPT Châu Thành giao lưu và chia sẻ với học sinh về nhu cầu tuyển sinh các trường đại học. Trong tương lai, em khát khao sẽ có được cơ hội trao đổi, tiếp thu những kinh nghiệm từ những giảng viên chuyên nghiệp của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. 

Xã hội đang ngày càng phát triển, công nghệ trí tuệ robot đang dần được áp dụng trong một số ngành nghề như thu ngân, bán hàng, ngành tài chính, lập trình,… khiến cuộc sống con người dù dễ dàng hơn nhưng cũng ẩn chứa vô vàn những tiềm năng khiến robot “hất cẳng” con người ra khỏi một số ngành nghề ấy. Tuy nhiên, đối với ngành Báo chí và Tâm lý học- là những ngành thuộc đặc thù phải kết hợp sâu sắc giữa trải nghiệm bên ngoài và khám phá bên trong- thì robot chỉ có thể hỗ trợ chứ không thể thay thế con người. Trước tiên, cả hai ngành này cần nhất là tính tương tác cao và giao tiếp giữa người viết và người đọc, giữa người nói và người nghe. Nếu nhà báo, biên tập viên, phóng viên hay cán bộ giảng dạy, nghiên cứu tại các viện, các trường đại học, cao đẳng,… sử dụng đối thoại “ngầm” thông qua các trang viết chứa nội dung tới người đọc thì các nhà tư vấn tâm lý, các cán bộ giảng dạy, nghiên cứu ngành tâm lý sẽ áp dụng đối thoại “trực tiếp” đến với các bệnh nhân hoặc những người tham gia lắng nghe. 

Mặt khác, ngành Báo chí đòi hỏi ở mỗi người phải có tính hợp tác, tổ chức, quy tụ, tư duy làm việc cao, đa chiều và rõ ràng. Vì để cho ra đời một bài báo, một buổi phóng sự,… đáp ứng đầy đủ yếu tố thời sự, nóng hổi thì không thể do một người phụ trách, mà hơn bao giờ hết, đó là sự kết hợp giữa nhiều mảng từ bộ phận biên tập, kiểm duyệt kịch bản, phụ trách chương trình, phóng viên trực tiếp hiện trường, quay phim,… Do đó, sự đặc biệt của ngành Báo chí là người làm việc phải dám xông pha, có nhiều kinh nghiệm, kiến thức về đời sống để có thể nắm bắt thông tin và cho ra những thành phẩm đáng giá. Với ngành Tâm lý học giáo dục, ngành ấy nêu cao tính giao tiếp, giáo dục, tìm hiểu từ bên trong. Chẳng hạn như phân tích đặc điểm giao tiếp của học sinh THCS hoặc sự hình thành lí tưởng sống ở tuổi thanh niên mới lớn diễn ra như thế nào? Từ đó mà ta sẽ có những nắm bắt về tâm lý con người rõ ràng, thực tế và sẽ định hướng biện pháp phục hồi, điều trị đúng cách. Suy cho cùng, là một người cân bằng hợp lí giữa cái đầu “lạnh” và quả tim “nóng”, thích trải nghiệm, dám xông pha, có tính tự học hỏi tốt, linh hoạt trong giao tiếp,… thì em tin rằng, bản thân phù hợp với cả hai ngành mong muốn xét tuyển và sẽ hoàn thành việc hoàn thiện các kĩ năng trong tương lai thật tích cực, nếu bản thân có cơ hội được học tập và rèn luyện ở Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Bên cạnh những việc tìm hiểu về ngành nghề mà bản thân yêu thích thì chính em còn tìm hiểu kĩ càng những trường đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh từ rất sớm. Và em tin rằng, trường Đại học quốc gia Khoa học Xã hội- Nhân văn chính là chìa khoá đưa em tới một tương lai như em mong muốn. Điều đó được chứng tỏ ở việc, trường có cơ sở thiết bị học tập đầy đủ, tiện ích và giảng viên vô cùng tận tâm tận tuỵ, chuyên nghiệp với những giáo trình đáp ứng được nhu cầu của học sinh. Tiếp đó còn là ở những lựa chọn ngành đa dạng và nhiều cơ hội mở ra trước mắt. Hơn hết, em phải kể đến triển vọng nghề nghiệp rất cao trong đời sống. Bản thân em đã được nghe nhiều về triển vọng nghề nghiệp ra trường của các trường Đại học khác. Song khi đọc tới triển vọng nghề nghiệp ra trường của trường Đại học Khoa học Xã hội- Nhân văn, em đã tin tưởng hơn vô cùng vì đây còn lại trường đào tạo chính quy với mức học phí phù hợp và chất lượng tốt. Chính vì vậy, trường Đại học quốc gia Khoa học Xã hội- Nhân văn chính là nơi em gửi gắm bao hoài bão của mình về một tương lai hạnh phúc và về một nghề nghiệp có thu nhập ổn định để có thể lo cho bản thân và gia đình mình.

Cuối cùng, em tin tưởng bản thân mình có thể phù hợp trở thành một mảnh ghép của trường. Với những ham mê học hỏi, nổ lực trong nhiều năm và có nhiều tài lẻ khác (nhảy, dẫn chương trình, điều phối tập thể,…), em còn muốn đóng góp cho trường nhiều hơn nữa, có thể càng nâng cao thêm chất lượng giảng dạy và uy tín của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đối với thí sinh và cộng đồng các trường đại học; đồng thời còn là trở thành một phóng viên đầy bản lĩnh, dám xông pha, sẵn sàng bất cứ lúc nào, ở đâu hoặc một nhà tư vấn tâm lý đầy thấu hiểu, tận tâm như giảng viên ở trường và sẽ cho ra đời những sản phẩm xã hội, cống hiến nhiều nhất có thể cho uy tín cũng như chất lượng đào tạo của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Lời cuối bài, em xin cảm ơn các thầy cô trong Ban tuyển sinh trường đã cho em cơ hội được thử sức mình với phương thức Ưu Tiên Xét Tuyển này. Với những lợi thế và thành tích đúc kết được sau ba năm học dưới mái trường cùng với sự hứng thú và niềm yêu thích đối với ngành Báo chí và Tâm lý học giáo dục đã được thể hiện ở trên, em hi vọng bản thân sẽ có cơ hội được trở thành sinh viên của trường thông qua phương thức Ưu Tiên Xét Tuyển lần này.