Đoạn trích từ truyện ngắn Đồi Thông của Nguyễn Quang Thiều về cuộc sống của cựu binh Miêng sau chiến tranh, thể hiện nỗi đau hậu chiến xen lẫn tình đồng đội cao cả.
Khi hoàng hôn xuống những đồi thông thì gió nổi lên. Tiếng gió u u không dứt cho đến tận sáng sớm hôm sau. Đối với ông Miêng, giấc ngủ không còn quan trọng nữa. Ông có thể thức suốt đêm hoặc ngồi trong ngôi nhà dưới chân đồi hoặc đi lang thang trong rừng thông sẫm tối và sạch sẽ. Buồn ngủ lúc nào thì ông ngủ lúc đó. Có ngày ông ngủ suốt buổi chiều trên lớp lá thông dày ở đỉnh đồi. Ông tin, một ngày nào đó ông sẽ ngủ mãi mãi trên thảm lá thông này. Ý nghĩ ấy làm ông hạnh phúc. Chính trên những quả đồi này, năm 1972, cả tiểu đội của ông chỉ còn sót lại một người. Đó chính là ông. Sau trận đánh chiều đó, ông ngất đi vì ba vết thương trên người. Khi ông tỉnh dậy trời đã khuya. Đêm ấy trời đầy sao. Cả vùng đồi im phắc. Ông gượng ngồi dậy. Và trong ánh sáng mờ của sao và vầng trăng đầu tháng, ông nhận ra đồng đội ông đang nằm như ngủ bình yên trên đỉnh đồi. Ông đã cất tiếng gọi. Tất cả đã hi sinh. Tiếng gọi của ông đêm ấy vang trên những quả đồi trơ trụi và vọng mãi đến bây giờ.
Sau chiến tranh, ông về thăm quê và quyết định trở lại vùng đồi này. Trở lại vùng đồi này, ông mang theo một người đàn bà trẻ. Người đàn bà đó là vợ ông. Người đã chờ đợi ông suốt mười mấy năm cuối cùng của cuộc chiến tranh.
Ngày ông dắt vợ đến vùng đồi người đàn bà trẻ ngơ ngác nhìn cõi hoang vu và hỏi:
– Chúng mình đến đây để làm gì hở anh?
– Để sống.
Ông Miêng nói một câu ngắn gọn như vậy. Rồi những ngày sau đó ông dựng một ngôi nhà nhỏ dưới chân đồi. Chính quyền địa phương không một chút đắn đo cho phép ông được sống ở đó. Một năm sau ngày đến vùng đồi, ông bắt đầu trồng thông. Ông nói với vợ:
– Anh sẽ trồng thông kín những quả đồi này.
– Bao giờ mới kính được? Người vợ lo lắng hỏi.
– Anh không biết – Ông nói – Nhưng anh sẽ trồng và sẽ trồng kín.
Những đên sáng trăng, ông thường ngồi im lặng nhìn lên đỉnh đồi. Mây lững lờ bay qua đỉnh đồi, và ông nghe tiếng ông gọi đồng đội mình. Những đêm như thế, ông thường đi lên đỉnh đồi và trở về nhà rất khuya. Vợ ông sợ hãi hỏi:
– Anh lên đó làm gì?
– Anh lên thăm bạn anh.
– Có ma nào ở trên đó mà anh thăm. Anh làm sao thế? Em sợ lắm.
Anh ôm chặt vợ vào lòng và rì rầm:
– Tất cả đang ngủ trên đó.
Vợ chồng Miêng sống trên vùng đồi như sống trên một vùng đảo hoang. Có những tuần lễ không một bóng người đi qua. Người dân ở đó không biết làm gì ở vùng đồi sỏi đá và còn sót lại cả mìn từ chiến tranh này. Ông Miêng trồng tất cả những thứ gì có thể mọc được trên đất đồi này quanh ngôi nhà nhỏ và nuôi tất cả những gì có thể sống được ở đây. Sau một năm, vùng đồi đỡ hoang vu hơn bởi những màu xanh đầu tiên được nhen lên và bởi tiếng gà tiếng chó. Ngày đầu tiên ông Miêng đến Sở Lâm Nghiệp tỉnh xin cây thông non để trồng. Người ở Sở Lâm nghiệp nói giá mỗi cây thông non cho ông biết. Và nhanh hơn máy, ông ta tính cho ông một món tiền khổng lồ mà ông Miêng phải trả.
“Tôi không có tiền. Tôi chỉ xin để trồng thôi”. Ông Miêng nói. Người Sở Lâm Nghiệp tròn mắt: “Thế thì ông lấy lá thông mà trồng”. Nghe vậy, ông Miêng bỏ đi. Ông gặp lãnh đạo tỉnh. “Tôi giúp tỉnh trồng thông kín những quả đồi đó. Tôi chỉ trồng thôi. Tôi không lấy công, không lấy gì hết”. Lãnh đạo tỉnh nhìn thầy ông khó hiểu. Ông nói: “Tất cả đồng đội tôi đã chết trên quả đồi kia. Bấy giờ họ đang ngủ ở đó. Khi nào không mọc kín những quả đồi thì tôi sẽ trở về quê”. Lãnh đạo tỉnh ôm lấy ông. Sau đó Sở Lâm nghiệp cấp cây giống cho ông. Ông Miêng bỏ hết số tiền ông có mua một chiếc xe trâu để chở cây giống và giúp ông những việc khác. Mỗi tháng, ông đánh xe trâu đưa vợ xuống thị xã một lần để mua sắm những thứ cần thiết cho hai vợ chồng hoặc mang bán một ít gia cầm. Những buổi chiều bớt việc, ông thường dắt con trâu đi lang thang quanh vùng đồi để tìm cho nó một đám cỏ ngon.
“Tác phẩm “Lời hứa của thời gian” của Nguyễn Quang Thiều là một câu chuyện đậm chất triết lý và mang tính chiêm nghiệm sâu sắc về sự trôi chảy của thời gian và những biến đổi trong cuộc đời con người. Nguyễn Quang Thiều khéo léo đan xen giữa những ký ức, nỗi đau, và khát vọng, để từ đó phác họa nên những hình ảnh đầy cảm xúc về sự phai nhạt của quá khứ và niềm hy vọng vào tương lai. “Lời hứa của thời gian” không chỉ nói về sự mất mát mà còn là hành trình tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống trong sự vô thường của thời gian. Thời gian trong tác phẩm không chỉ là yếu tố tuyến tính mà còn là một nhân vật, một chứng nhân của những thay đổi không thể tránh khỏi trong cuộc đời. Nguyễn Quang Thiều đã tạo nên một không gian giàu tính biểu tượng, nơi mà quá khứ và hiện tại hòa quyện, làm nổi bật sự mơ hồ giữa những điều con người có thể kiểm soát và những gì họ buộc phải chấp nhận. Tác phẩm khắc sâu trong lòng người đọc cảm giác về sự đối mặt với thời gian – một lời hứa vừa an ủi, vừa thử thách, buộc mỗi cá nhân phải đối diện với sự trôi qua và tìm ra giá trị của những gì còn lại sau tất cả…“
Bình luận
Chạm Văn đang cập nhật thêm tính năng bình luận. Cùng đón chờ nhé!