Câu 1 (2.0đ): Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) để trả lời câu hỏi Làm thế nào để ta có thể yêu thương nhau nhiều hơn?
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn (0.25đ):
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0.25đ):
Làm thế nào để ta có thể yêu thương nhau nhiều hơn?
c) Triển khai vấn đề nghị luận (1.0đ):
(Đây là câu hỏi mở, học sinh có nhiều cách bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình. Song ý kiến đưa ra phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức, phải hướng tới những điều tích cực).
- Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải trả lời được câu hỏi: "Làm thế nào để ta có thể yêu thương nhau nhiều hơn?"
- Có thể theo hướng: sống chân thành, bao dung, độ lượng, biết “mở lòng để đón những vang động của cuộc sống đời thường”; kiên nhẫn với chính bản thân mình và với mọi người; biết đặt mình vào người khác để thấu hiểu, cảm thông; cần có cái nhìn đa chiều, đúng đắn trước mọi vấn đề của cuộc sống;….
Hướng dẫn chấm:
+ Học sinh lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và dẫn chứng (1,0 điểm).
+ Học sinh lập luận chưa thật chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng nhưng không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không tiêu biểu (0,5 - 0,75 điểm)
+ Học sinh lập luận không chặt chẽ, thiếu thuyết phục: lí lẽ không xác đáng, không liên quan mật thiết đến vấn đề nghị luận, không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không phù hợp (0,25 điểm).
Lưu ý: Thí sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
d. Chính tả, ngữ pháp (0.25đ):
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu đoạn văn có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.
e. Sáng tạo (0.25đ):
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có dẫn chứng, cách diễn đạt mới mẻ.
Hướng dẫn chấm: Thí sinh huy động được kiến thức và trải nghiệm của bản thân để bàn luận về vấn đề; có cách nhìn riêng, mới mẻ; có sáng tạo trong diễn đạt, lập luận, làm cho lời văn có giọng điệu, hình ảnh, đoạn văn giàu sức thuyết phục.
Câu 2 (4.0đ): Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) so sánh hai đoạn trích Những người muôn năm cũ (Nguyễn Huy Thiệp) và Biết (Nguyễn Ngọc Tư) để làm nổi bật nét đặc sắc trong giá trị hiện thực của mỗi đoạn trích.
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0.25đ):
Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0.5đ):
So sánh giá trị hiện thực của hai đoạn trích.
Hướng dẫn chấm:
- Thí sinh xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0,5 điểm.
- Thí sinh xác định chưa đầy đủ vấn đề nghị luận: 0,25 điểm.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm (3.0đ):
Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:
* Giới thiệu khái quát về 2 tác giả, 2 đoạn trích (0.5đ)
1. Cảm nhận, phân tích các đoạn trích
* Cảm nhận về đoạn trích Những người muôn năm cũ - Nguyễn Huy Thiệp:
- Nội dung: Đoạn trích kể về sự thay đổi của Xuân – cô gái trẻ, sống ở miền núi – sau khi từ thành phố về. Trong con mắt của Doanh, Xuân trở nên xinh đẹp hơn nhưng tính cách đã đổi thay không còn được như xưa. Cô Xuân hiền lành, thuần hậu, biết quan tâm mọi người dường như đã biến mất. Thay vào đó là một cô gái thờ ơ , vô tâm, ít về thăm gia đình, chỉ đợi bố mẹ chăm sóc, cung phụng. Doanh còn dự đoán cô là đứa con bất hiếu khi biết được tất cả tiền có được bà Hinh đều đưa cho con gái nhưng đổi lại là sự không bằng lòng của Xuân. Còn với bà Hinh, người mẹ luôn mong nhớ và khao khát mọi điều tốt đẹp cho con mình thì Xuân lại rất xinh đẹp, khéo léo, kiêu sa.
- Giá trị hiện thực:
+ Từ câu chuyện cô con gái trẻ miền núi xuống thành phố không còn giữ được dáng vẻ và tính cách mộc mạc, hiền lành như trước đây, đoạn trích đặt ra vấn đề tha hoá của con người trước những cám dỗ của đời sống. Cuộc sống tiện nghi hào nhoáng nơi đô thị làm người ta dần quên mất gốc gác, xuất thân của mình, quên cả tình cảm gia đình ruột thịt thiêng liêng. Thay vào đó là lối sống thực dụng, chỉ biết hưởng thụ và vô ơn.
+ Đoạn trích cũng nêu ra sự khắc nghiệt, trần trụi của cuộc sống hiện đại: đàn bà thông minh khó lấy chồng, khó hạnh phúc; niềm hi vọng con gái yên ổn của người mẹ chưa chắc đã thành hiện thực; tình yêu thương và chăm lo vô bờ của người mẹ lại bị đứa con xem thường, thờ ơ…
+ Đoạn trích gợi lên những trăn trở, suy tư trong lòng người đọc về thế thái nhân tình; về sự hào nhoáng, xô bồ của cuộc sống hiện đại. Có nỗi niềm âu lo về sự tha hoá của con người và cả những khát khao về niềm hạnh phúc đong đầy trọn vẹn với một lối sống thuỷ chung, tình nghĩa.
- Nghệ thuật:
+ Ngôi thứ nhất - người kể chuyện hạn tri.
+ Sự thay đổi điểm nhìn tạo cái nhìn đa chiều về Xuân.
+ Nghệ thuật tạo tình huống truyện: Xuân , cô gái trẻ trở về miền núi từ thành phố.
+ Nghệ thuật xây dựng nhân vật: Tính cách nhân vật Doanh, bà Hinh được bộc lô qua lời nhận xét, đánh giá về Xuân.
+ Nghệ thuật tạo dựng đối thoại chân thực, lôi cuốn
+ Ngôn ngữ mang đậm hơi thở đời thường, dung dị mà sinh động
* Cảm nhận về đoạn trích Biết – Nguyễn Ngọc Tư:
- Nội dung: Đoạn trích kể về câu chuyện giữa thằng nhỏ và ông - già – không - biết, ba vợ hụt của nó. Thằng nhỏ si mê con bé thường hì hụi rửa chén, phụ nấu nướng, giùm con bồ nó, múc nước cho con nhỏ gội đầu. Má nó vừa thương xót con trai, vừa ghen tị vì con giành tình cảm cho người khác nên thường rầy la nó. Con em nhỏ cũng hùa theo phá nó. Sau tất cả, thằng nhỏ vẫn kiên định với tình yêu của mình. Nói chuyện với ông già, ông luôn khăng khăng nói không biết, chưa chắc biết, phải sợ chữ biết. Thằng nhỏ không chịu, cự cãi. Song bảy mươi ba buổi sáng sau, nơi quán cũ, thằng nhỏ đành phải tiu nghỉu nhìn cảnh người yêu nó ôm người khác và chấp nhận là người không quen.
- Giá trị hiện thực:
+ Câu chuyện tình yêu thời hiện đại của giới trẻ gợi lên bao suy ngẫm. Gạt bỏ tình cảm gia đình, mải mê theo đuổi tình yêu nhưng nắm bắt được là điều không dễ, lòng người đổi thay khó đoán, nay gần mai xa, ranh giới giữa quen thân và xa lạ thật mong manh. Hậu trường của tình yêu đôi lứa đầy trớ trêu, bi hài.
+ Đoạn trích còn chứa đựng triết lí sâu sắc về cuộc đời: khó có thể dự đoán được tương lai, biết hay không biết đều mơ hồ, hư ảo. Nhiều khi con người ta phải biết bằng lòng với thực tại, phải chung sống cùng nỗi đau, trao đi yêu thương chưa chắc đã được nhận lại, chỉ biết dựa vào chính mình .
- Nghệ thuật:
+ Ngôi kể thứ ba.
+ Cốt truyện giản đơn mà giàu kịch tính
+ Kết thúc mở gợi bao suy ngẫm
+ Chi tiết nghệ thuật chọn lọc, sinh động, giàu ý nghĩa.
+ Nghệ thuật xây dựng nhân vật đặc sắc làm nổi bật tính cách trẻ con, bồng bột của thằng nhỏ.
+ Nghệ thuật tạo dựng đối thoại chân thực, lôi cuốn
+ Ngôn ngữ đời thường sinh động, giàu sắc thái Nam bộ
2. So sánh các đoạn trích
a. Nét tương đồng
- Nội dung:
+ Đều phản ánh những vấn đề của con người trong cuộc sống hiện đại với những sự thật éo le, khắc nghiệt, trần trụi. Ngay đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái dường như cũng trở nên khác lạ, một chiều.
+ Đều bộc lộ những chiêm nghiệm, suy ngẫm lẫn trăn trở âu lo của người nghệ sỹ về tình đời và phận người.
- Nghệ thuật: Nghệ thuật tự sự độc đáo, kết hợp nhiều điểm nhìn, xây dựng nhân vật có tính cách riêng biệt, tạo dựng đối thoại sinh động, mang màu sắc triết lí về cuộc đời và con người…
b. Nét khác biệt:
- Nội dung:
+ Ở đoạn trích Những người muôn năm cũ (Nguyễn Huy Thiệp), mối quan hệ gia đình đã nhuốm màu thực dụng bởi sự tha hoá của cô con gái, còn ở đoạn trích Biết (Nguyễn Ngọc Tư), tình cha con bạc bão mới ở trong dự cảm của người cha già.
+ Dư vị xót xa cay đắng xen lẫn mỉa mai đọng lại trong kết thúc của đoạn trích Những người muôn năm cũ (Nguyễn Huy Thiệp), còn ở cuối đoạn trích Biết (Nguyễn Ngọc Tư) còn có cả kịch tính đầy bi hài.
- Nghệ thuật: Ngôn ngữ trong đoạn trích Những người muôn năm cũ- Nguyễn Huy Thiệp nghiêng về đối thoại còn ở đoạn trích Biết – Nguyễn Ngọc Tư ngôn ngữ trần thuật mang đậm màu sắc Nam bộ.
3. Lí giải sự tương đồng, khác biệt giữa hai đối tượng.
- Do bối cảnh xã hội, văn hóa vùng miền .
- Do phong cách riêng của mỗi nhà văn.
Hướng dẫn chấm:
- Phân tích đầy đủ, sâu sắc: 2,0 điểm - 2,5 điểm
- Phân tích chưa đầy đủ hoặc chưa sâu : 1,0 điểm - 1,75 điểm.
- Phân tích chung chung, sơ sài: 0,25 điểm - 0,75 điểm.
d. Chính tả, ngữ pháp (0.25đ):
Đảm bảo chuẩn chính tả, từ ngữ, ngữ pháp tiếng Việt.
Lưu ý: Không cho điểm nếu bài mắc quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.
e. Sáng tạo (0.5đ):
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc, có ý tưởng riêng phù hợp với vấn đề nghị luận; có cách lập luận, diễn đạt mới mẻ.
Hướng dẫn chấm: Thí sinh biết vận dụng lí luận văn học trong quá trình phân tích, đánh giá;; biết liên hệ vấn đề nghị luận với thực tiễn đời sống; văn viết giàu hình ảnh, cảm xúc.
- Đáp ứng được 2 yêu cầu trở lên: 0,5 điểm.
- Đáp ứng được 1 yêu cầu: 0,25 điểm.