[THPTQG] Đề ôn so sánh 2 truyện (2)

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm):

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

   Chúng ta thường nghĩ rằng cuộc sống của mình sẽ tốt đẹp hơn sau khi việc học hành hoàn tất hay có gia đình, có công việc ổn định. Nhưng khi đã có được những điều ấy rồi, chúng ta lại bị chi phối bởi nhiều mối bận tâm và lo lắng khác nữa. Chúng ta thường không hài lòng khi cuộc sống không như những gì mình mong muốn.

Có mấy ai nhận ra rằng khoảng thời gian hạnh phúc nhất chính là những giây phút hiện tại mà chúng ta đang sống? Cuộc sống vốn chứa đựng nhiều thử thách, khó khăn và nghịch cảnh. Cách thích ứng tốt nhất với cuộc sống này là chấp nhận thực tế và tin vào chính mình. Tự bản thân mỗi chúng ta, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, phải biết cảm nhận và tự tìm lấy niềm hạnh phúc cho riêng mình.

Đừng trông đợi một phép màu hay một ai đó sẽ mang hạnh phúc đến cho bạn. Đừng đợi đến khi bạn thật rảnh rỗi hay đến lúc tốt nghiệp ra trường, đừng đợi đến khi kiếm được thật nhiều tiền, thành đạt, có gia đình, hoặc đến khi được nghỉ hưu mới thấy đó là lúc bạn được hạnh phúc.

Đừng đợi đến mùa xuân, mùa hạ, mùa thu, hay mùa đông rồi mới cảm thấy hạnh phúc. Đừng đợi tia nắng ban mai hay ánh hoàng hôn buông xuống mới nghĩ là hạnh phúc. Đừng đợi đến những chiều thứ bảy, những ngày cuối tuần, ngày nghỉ, ngày sinh nhật hay một ngày đặc biệt nào mới thấy đó là ngày hạnh phúc của bạn. Tại sao không phải lúc này?

Hạnh phúc là một con đường đi, một hành trình. Hãy trân trọng từng khoảnh khắc quý giá trên chuyến hành trình ấy. Hãy dành thời gian quan tâm đến người khác và luôn nhớ rằng, thời gian không chờ đợi một ai! Nhưng chắc chắn không bao giờ là quá muộn – và thời gian là người bạn tốt nhất của bạn, của tất cả mọi người.

(Theo: Hạt giống tâm hồn – NXB Tổng hợp TPHCM, 2008)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.

Câu 2. Theo văn bản, khoảng thời gian hạnh phúc nhất đối với mỗi con người là khi nào?

Câu 3. Hãy chỉ ra và nêu tác dụng của phép điệp trong đoạn văn: Đừng đợi đến mùa xuân, mùa hạ, mùa thu, hay mùa đông rồi mới cảm thấy hạnh phúc. Đừng đợi tia nắng ban mai hay ánh hoàng hôn buông xuống mới nghĩ là hạnh phúc. Đừng đợi đến những chiều thứ bảy, những ngày cuối tuần, ngày nghỉ, ngày sinh nhật hay một ngày đặc biệt nào mới thấy đó là ngày hạnh phúc của bạn.

Câu 4. Anh/chị hiểu như thế nào về câu nói: "Đừng trông đợi một phép màu hay một ai đó sẽ mang hạnh phúc đến cho bạn."

Câu 5. Thông điệp nào của văn bản trên có ý nghĩa nhất đối với anh/chị?

II. LÀM VĂN (6.0 điểm):

Câu 1 (2.0 điểm): Suy nghĩ của anh/chị về chứng ái kỉ của con người trong xã hội hiện đại. Trình bày bằng đoạn văn khoảng 200 chữ.

Câu 2 (4.0 điểm): So sánh, đánh giá nghệ thuật xây dựng nhân vật của hai tác giả trong hai đoạn trích sau:

Đoạn 1

   (Lược tóm tắt: Dì Hảo là con nuôi của bà tôi. Bố đẻ của dì Hảo chết đã lâu. Mẹ đẻ dì là bà xã Vận, một người đàn bà bán bánh đúc xay, ngon có tiếng. Cuộc sống của bà ngày càng thêm chật vật. Bà quyết định để dì Hảo đi ở nuôi nhà người quen. Đến thì con gái dì đi lấy chồng, dành cho chồng bằng tất cả tình yêu thương của mình. Nhưng trớ trêu thay chồng của dì lại là một kẻ cờ bạc, rượu chè, vũ phu. Dì sinh được một đứa con, nhưng không may đứa con chết, rồi dì lại lâm bệnh, đau yếu, không đi làm được, người chồng lại càng khinh bỉ, ghét bỏ dì, đay nghiến dì Hảo.)

"Dì Hảo chẳng nói năng gì. Dì nghiến chặt răng để cho khỏi khóc nhưng mà dì cứ khóc. Chao ôi! Dì Hảo khóc. Dì khóc nức nở, khóc nấc lên, khóc như người ta thổ. Dì thổ ra nước mắt. Nhưng đã vội phí nước mắt làm gì nhiều đến thế. Vì dì còn phải khóc hơn thế nhiều, khi hắn chán chửi, bỏ nhà mà đi, bỏ dì bơ vơ, đau ốm, để tìm cơm rượu. Trách làm gì hắn, cái con người bắt buộc phải tàn nhẫn ấy? Hắn phải ăn, phải uống, phải vui thú, đó là đời của hắn. Dì Hảo què liệt không còn những cái ấy để mà cho. Không, dì có trách chi con người tàn nhẫn ấy. Cũng như dì đã không trách bà tôi đã làm ngơ không cấp đỡ cho dì. Bà tôi có còn giàu như trước nữa đâu? Người đã già, đã ốm yếu, và khổ cực thay! Đã nghèo như lúc còn hăm hai. Cái cơ nghiệp người gây dựng thầy tôi buôn bán thua lỗ, chúng tôi học hành tổn phí nhiều, đã tan tác đi theo gió bốn phương. Người chỉ có thể đem đến cho dì Hảo mỗi ngày một xu quà, và rất nhiều nước mắt. Và rất nhiều lời than thở…”

(Trích Dì Hảo – Tuyển tập truyện ngắn Đôi mắt, Nam Cao, NXB Văn học, 2017)

***Nam Cao (nguyên danh Trần Hữu Tri, thánh danh Giuse [1], (1915 -1951). Ông là một nhà văn, nhà báo và cũng là một chiến sĩ, liệt sỹ . Ông là nhà văn hiện thực lớn, đồng thời là  một trong những nhà văn tiêu biểu nhất thế kỷ 20. Nam Cao có nhiều đóng góp quan trọng đối với việc hoàn thiện phong cách truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ 20.. Truyện “Dì Hảo” của Nam Cao là một tác phẩm văn học viết về đề tài người nông dân nghèo. Nhân vật chính của câu chuyện là bà Hảo, một người phụ nữ đơn thân, sống khổ cực nhưng không từ bỏ hi vọng.

Đoạn 2

(Lược tóm tắt: Chồng của nhân vật tôi – Hạnh - một cô giáo, làm cô Thắm – cô gái ở quê có thai. Nếu việc này lộ ra sẽ ảnh hưởng đến công danh của anh. Hạnh thấy chồng mình cứ gầy rộc đi, mắt hõm, râu mọc xanh cả cằm đã dốc hết tiền của góp trong người mười mấy năm mua một căn nhà ở ngoại ô cho anh ấy đưa cô Thắm lên. Khi anh đi rồi, Hạnh còn lại một mình, thấy trống vắng và sụp xuống, nức nở khóc..)

Thỉnh thoảng anh cũng về thăm tôi. Nhưng anh về một chút rồi lại đi. Tôi không dám trách. Sắp đến đại hội Chi bộ, phải giữ gìn. Anh có muốn nấn ná tôi cũng giục anh đi cho được. Anh bảo: "Mình đừng buồn. Tôi nói với mình đinh ninh từ khi chưa ly hôn. Nay cũng thế, tôi ở bên ấy nhưng thực ra chỉ có mình mới là vợ của tôi". Tôi nghe, chỉ biết khóc. Vợ chồng mà gặp nhau lén lút như thế này, cái số tôi sao mà trớ trêu? […]
Đại hội Chi bộ đã qua, anh lại được tín nhiệm cao. Tôi mừng. Tôi nhắn Thắm chăm sóc anh cho chu đáo… Tết đến, tôi lo mua nếp gói bánh. Năm nay nhà đông phải gói nhiều. Đang loay hoay tìm mua lá dong, chợt nghe nói bà Thu sắp có dịp về quê, tôi lật đật sang nhờ bà ấy mua giúp. Vào đến cửa, tôi chững lại khi nghe tiếng anh Phương, rồi tiếng Thắm. Một giỏ quà, ý chừng đồ đi tết, đang nằm trên ghế. Bà Thu cười: Không có tôi thì anh chị còn mỗi người một nơi đến bao giờ? Nhưng mà nói vậy chứ không nhận quà này nhé. Bày vẽ làm gì, cái tình với nhau là chính". "Ấy, chút quà xin chị nhận cho, của thảo lòng thành". Tôi rụng rời, không nhận ra được giọng cô gái quê thơ ngây chất phác sáu năm về trước... Bà Thu ngọt ngào: "Cái cô Thắm này khéo thật, chả trách bà Hạnh cất công tìm tòi chọn lựa mãi". Tiếng Thắm cười: "Chị ấy tưởng thế thôi chứ thực ra trước khi bà thím giới thiệu với chị thì anh Phương đã gặp em mấy lần khi về quê ăn giỗ". "Quả là chồng khéo vợ khéo, trách gì chẳng thành đôi". Họ cười, tiếng cười vui vẻ râm ran trong đêm yên ả...
Tôi rút lui, suýt ngã khi xuống thềm. Rồi cứ đi trong đêm như người ngây…

(Nguồn: https://kilopad.com/truyen-ngan-c197/doc-sach-truc-tuyen-trang-noi-day-gieng-b6578, Trăng nơi đáy giếng (trích) – Trần Thùy Mai)

***Nhà văn Trần Thùy Mai tên thật là Trần Thị Thùy Mai, sinh ngày 8 tháng 9 năm 1954 tại Hội An, Quảng Nam. Quê quán: làng An Ninh Thượng, xã Hương Long, huyện Hương Trà, (nay là phường Hương Long, Thành phố Huế), tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trần Thùy Mai bắt đầu được các bạn trẻ yêu thích văn chương ở Huế biết đến khi đang học ở trường Đồng Khánh những năm trước giải phóng. Năm 1987, Trần Thùy Mai đã chọn nghiệp viết làm con đường đi cho riêng mình.
Một nhà văn luôn có một vùng đất của riêng mình. Không chỉ là bối cảnh nơi câu chuyện diễn ra mà còn là không gian giúp nhà văn làm nổi bật cái phông nền văn hóa, tính cách và con người nơi đó. Nhắc đến Trần Thùy Mai là nhắc đến nhà văn xứ Huế với những đặc trưng không thể trộn lẫn. Những truyện ngắn của chị thường chọn các nhân vật phụ nữ Huế rất bình thường nhưng luôn đối mặt với trắc trở, lận đận trong tình duyên và thậm chí đôi khi còn cực đoan đến mức đi tìm sự cứu rỗi về mặt tâm linh như trong “Trăng nơi đáy giếng”. Tác phẩm viết năm năm 2008 in trong tập truyện cùng tên.


I. ĐỌC (4.0 điểm):

Câu 1:

Câu 2:

Câu 3:

Câu 4:

Câu 5:

I. VIẾT (6.0 điểm):

Câu 1:

Câu 2:

Kết quả Quay về trang đề thi

Bài làm của bạn

Lời giải gợi ý

I. Đọc

II. Viết

I. Đọc

Câu 1 (0.5đ): Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận.

Câu 2 (0.5đ): Thời gian hạnh phúc nhất chính là những giây phút hiện tại mà chúng ta đang sống.

Câu 3 (1.0đ):
- Phép điệp:
+ Điệp ngữ: Đừng đợi, mới ..
+ Điệp cấu trúc: “Đừng đợi ... mới ...”.
- Hiệu quả:
+ Nhấn mạnh đến sự cần thiết và nhanh chóng nắm bắt cơ hội để tạo ra và tận hưởng hạnh phúc ở mọi thời điểm trong cuộc đời. Từ đó nhắc nhở chúng ta đừng chần chừ chờ đợi mà phải biết chủ động trong hạnh phúc của chính mình.
+ Làm cho câu văn sinh động hấp dẫn, tạo nhịp điệu, tạo sự liên kết.

Câu 4 (1.0đ):
- Hạnh phúc không tự nhiên có, không phải là quà tặng.
- Hạnh phúc là do mình tạo ra.

Câu 5 (1.0đ):
- Học sinh thể hiện cách cảm nhận của mình.
- Lí giải phù hợp, thuyết phục.
(Tuỳ vào cảm nhận của mỗi học sinh để trình bày thông điệp mà bản thân cho là tâm đắc: cách tạo nên hạnh phúc, sự trân trọng và nắm giữ hạnh phúc, đón nhận cuộc sống và hạnh phúc từ những điều bình dị….)

II. Viết

Câu 1 (2.0đ): Suy nghĩ của anh/chị về chứng ái kỉ của con người trong xã hội hiện đại - Trình bày bằng đoạn văn khoảng 200 chữ.

1. Kĩ năng:
Đáp ứng đúng yêu cầu của đoạn văn nghị luận xã hội; bố cục rõ ràng, hợp lí; lập luận chặt chẽ, giàu sức thuyết phục; dẫn chứng phù hợp; khuyến khích những bài viết sáng tạo.
2. Kiến thức:
Trên cơ sở hiểu đúng vấn đề, biết cách làm bài nghị luận xã hội, thí sinh có thể trình bày quan điểm cá nhân nhưng cần hợp lí, thuyết phục; dưới đây là một hướng giải quyết:
a) Mở đoạn: Dẫn dắt giới thiệu được vấn đề cần nghị luận; hội chứng đám đông trong xã hội ngày nay.
b) Thân đoạn
* Giải thích
- Chứng ái kỷ ( bệnh tự yêu mình): một dạng rối loạn nhân cách khi một người có biểu hiện tự cao, ảo tưởng, thiếu đồng cảm với người khác.
=> Tâm lí tự yêu mình, ảo tưởng về bản thân là một căn bệnh nguy hiểm với con người trong xã hội hiện đại.
* Bình luận, chứng minh
- Thực trạng của hiện tượng:
+ Căn bệnh này đang ngày càng phổ biến ở nhiều người, đặc biệt là những người trẻ.
+ Người mắc chứng ái kỉ thường có biểu hiện sau: Luôn phóng đại thành công, sức mạnh, sức hấp dẫn của bản thân; Ít hoặc không có sự đồng cảm với người khác; có nhu cầu được chú ý, ngưỡng mộ và công nhận rất cao; có niềm tin đặc biệt vững chắc về sự vượt trội của bản thân. Luôn kiêu ngạo, tự phụ; có xu hướng lợi dụng người khác để trục lợi cá nhân. Luôn ghen tị với người khác và tin rằng người khác cũng ghen tị với họ.
- Nguyên nhân của hiện tượng:
+ Chứng ái kỉ xuất phát từ tâm lí thích hưởng thụ, tự phụ vào bản thân, sùng bái vật chất, thờ ơ trước giá trị tinh thần.
+ Xuất phát từ tâm lí thích thể hiện cái tôi quá đà, thích được mọi người khen ngợi hay tung hô
+ Sự phát triển của công nghệ thông tin, nhất là sự phát triển của các trang mạng xã hội khiến cho mọi biểu hiện, hành vi ở mỗi cá nhân đều có thể là những trào lưu trong cả cộng đồng, cổ xúy cho những cách thể hiện bản thân thái quá trước cộng đồng.
- Một số trường hợp còn do bố mẹ đánh giá tầm quan trọng của con quá mức; chỉ trích khi con sợ hãi và thất bại.
- Tác hại của hiện tượng:
+ Những người mắc căn bệnh ái kỉ thường phản ứng gay gắt khi nhận được những lời nhận xét hoặc cảm thấy tức giận, xấu hổ khi bị ai đó nhắc tới hoặc góp ý, từ đó dễ gây rạn nứt các mối quan hệ.
+ Bản thân họ luôn cho rằng mình luôn đúng nên sẽ hình thành tính cách bảo thủ, khó thay đổi. Họ sẽ dần bị mọi người xa lánh, sống trong cô đơn và bất an.
+ Nó cũng là chứng bệnh đe dọa, thủ tiêu những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống của con người như: Lòng nhân ái, tinh thần vị tha, đoàn kết (Thí sinh lấy dẫn chứng thực tế để chứng minh)
* Giải pháp
- Cần đẩy mạnh tuyên truyền về lối sống, cách sống cho con người trong xã hội hiện đại;
- Quan tâm nhiều hơn đến việc giáo dục kĩ năng sống cho con người; giúp đỡ những người đã mắc chứng ái kỉ hòa nhập với cộng đồng. Bố mẹ hoặc người thân trong gia đình nên trò chuyện hàng ngày với người bệnh để mối quan hệ thân mật hơn.
- Bản thân mỗi bạn trẻ cần mở lòng để đón nhận cuộc sống quanh mình, tập lắng nghe nhiều hơn, kết nối với thế giới thực nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn để hướng đến những nhận thức đúng đắn và suy nghĩ tích cực trong cuộc sống.
c) Kết đoạn: Đánh giá, khái quát lại vấn đề.

Câu 2 (4.0đ):
1. Mở bài:
- Dẫn dắt và giới thiệu khái quát về các đối tượng so sánh và vấn đề so sánh: hai đoạn văn và nghệ thuật xây dụng nhân vật của hai tác giả.

2. Thân bài:
a. Luận điểm 1: Cảm nhận, phân tích các đối tượng
1. Cảm nhận, phân tích các đối tượng so sánh thứ 1
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm:
- Cảm nhận nhân vật dì Hảo:
+ Cuộc đời đầy đau thương: phải kết hôn sớm với người chồng vũ phu, bội bạc và luôn khinh thường dì
+ Vẻ đẹp tâm hồn: sức chịu đụng ghê gớm, vị tha, giàu tình người
- Nghệ thuật: Xây dựng nhân vật,sử dụng hiệu quả hình thức độc thoại nội tâm để diễn tả những suy nghĩ thầm kín nhất trong tâm hồn con người.
2. Cảm nhận, phân tích các đối tượng so sánh thứ 2
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm:
- Cảm nhận nhân vật Hạnh:
+ Cuộc đời đầy bi kịch: Hạnh sẵn sàng từ bỏ hạnh phúc mình đang có với niềm tin chồng mình sẽ chắc chắn với chỗ đứng của mình, vẫn yêu thương mình những rồi đau đớn nhận ra niềm tin ấy đổ vỡ. Tình yêu của cô bị lợi dụng, chà đạp
+ Vẻ đẹp tâm hồn: Là người phụ nữ truyền thống: hiền hậu, thương yêu chồng và sẵn sang hi sinh hết lòng vì chồng, vì gia đình.
- Nghệ thuật: xây dựng thành công nhân vật bằng ngôn ngữ nhẹ nhàng, sâu lắng kết hợp nghệ thuật miêu tả tâm lí và tạo tình huống bất ngờ.

b. Luận điểm 2: So sánh các đối tượng
1. Nét tương đồng (Giống nhau):
- Là những người phụ nữ bất hạnh trong hôn nhân, trong cuộc sống
- Đều có vẻ đẹp tâm hồn: giàu đức hi sinh,vị tha, nhân hậu, bao dung…
- Đều được xây dựng ấn tượng qua cách kể chuyện hấp được xây dựng dẫn, nghệ thuật miêu tả nội tâm tinh tế
2. Nét khác biệt (Khác nhau)
- Dì Hảo là người phụ nữ nông thôn nghèo khổ, hết sức cam chịu trước người chồng bất tài vô dụng vũ phu. Khổ cả về thể xác lẫn tinh thần
- Cô Hạnh là người phụ nữ thành phố hi sinh tình yêu vì sợ ảnh hưởng đến danh dự của chồng trong khi chồng phản bội mình. Nỗi khổ về tinh thần vô cùng ghê gớm
- Nhân vật dì Hảo chủ yếu được khắc họa qua nội tâm, ngôi kể thứ ba còn nhân vật cô Hạnh khắc họa qua tình huống bất ngờ cùng diễn biến tâm lí phức tạp, ngôi kể thứ nhất...

c. Luận điểm 3: Lí giải sự tương đồng, khác biệt giữa hai đối tượng.
- Có sự tương đồng và khác biệt như vậy bởi họ đều là những người phụ nữ truyền thống, nhưng sống trong hoàn cảnh xã hội khác nhau.
- Nghệ thuật viết truyện của mỗi tác giả có nét độc đáo riêng.
- Do yêu cầu của sự sáng tạo trong văn học

3. Kết bài:
- Khái quát những nét giống nhau và khác nhau tiêu biểu.
- Đánh giá chung về sự thành công của hai đoạn văn.
- Diễn đạt rõ ràng, dùng từ đặt câu đúng nghĩa, đúng ngữ pháp, đúng chính tả.
– Có những sáng tạo về ý tưởng hoặc có sự độc đáo về diễn đạt.

Chính tả, ngữ pháp (0.25đ): Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.
Sáng tạo (0.25đ): Bài viết có giọng điệu riêng; cách diễn đạt sáng tạo, văn phong trôi chảy.

Xác nhận thoát?

Do Chạm Văn chưa cập nhật tính năng lưu lịch sử làm bài, bài viết của bạn có thể bị xóa.

Tip: Dùng chuột kéo góc dưới bên phải của ô trả lời sẽ "kéo dài" ô đó, giúp bạn dễ nhìn bài viết hơn.