[THPTQG] Đề ôn so sánh 2 truyện (4)

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm):

Đọc văn bản sau:

CUỘC ĐỜI LÀ NHỮNG CHUYẾN ĐI

Cuộc đời là một chuyến hành trình có thể không êm ả. Trên hành trình đó sẽ cho ta nếm trải đủ cay đắng ngọt bùi, sẽ đưa ta đến với những khó khăn thử thách, sẽ nhấn chìm ta trong những vui buồn sướng khổ. Để rồi ta bỡ ngỡ nhận ra rằng cuộc đời không phải là một chuyến đi cổ tích như ta vẫn từng mơ ước. Bởi vì, nếu cuộc đời là một hành trình thì có thể ta sẽ có những vấp ngã. Điều quan trọng là ta hãy đứng lên và bước tiếp, nếu ta muốn tiếp tục chinh phục một hành trình thú vị. Suy cho cùng, hành trình cuộc đời chẳng phải là hành trình tìm kiếm bản thân hay sao? Suy cho cùng, tuổi trẻ để làm gì nếu không phải là dành cho thử thách và trải nghiệm? Hãy cứ làm những gì mà bạn mong muốn, hãy đánh thức con người tuyệt diệu còn đang ngủ say trong bạn. Chúng ta còn trẻ, chúng ta có đủ đam mê và liều lĩnh để bắt đầu một hành trình gian nan nhưng thú vị. Chúng ta có đủ ý chí và sức mạnh để vượt qua những thử thách, khó khăn. Chúng ta cũng có đủ thời gian và sự lạc quan để bắt đầu lại sau những lần vấp ngã. Tuổi trẻ để làm gì nếu không phải là để khám phá và trải nghiệm? Tuổi trẻ để làm gì nếu không phải là để biến những thứ “không thể” thành những điều “có thể”?

(Theo https://nghethuatsong.com.vn)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính trong văn bản trên.

Câu 2. Theo đoạn trích, trên hành trình cuộc đời con người sẽ nếm trải những điều gì?

Câu 3. Nêu tác dụng của một biện pháp tu từ trong hai câu sau: “Suy cho cùng, hành trình cuộc đời chẳng phải là hành trình tìm kiếm bản thân hay sao? Suy cho cùng, tuổi trẻ để làm gì nếu không phải là dành cho thử thách và trải nghiệm?”.

Câu 4. Anh/chị hiểu như thế nào về ý kiến: “hành trình cuộc đời chẳng phải là hành trình tìm kiếm bản thân?”.

Câu 5. Từ văn bản trên, anh/chị hãy rút ra một thông điệp có ý nghĩa.

II. PHẦN VIẾT (6.0 điểm):

Câu 1 (2.0 điểm): Anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về việc cần có sự trải nghiệm trong cuộc sống.

Câu 2 (4.0 điểm):

Đọc 2 đoạn văn bản sau:

Văn bản 1: NHỮNG NGÔI SAO XA XÔI
(Lê Minh Khuê)

   (Tóm tắt: Truyện kể về ba nhân vật nữ thanh niên xung phong - làm thành một tổ trinh sát mặt đường tại một trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn. Họ gồm có Nho, Thao và Phương Định - người kể chuyện. Nhiệm vụ của họ là quan sát địch ném bom, đo khối lượng đất đá phải san lấp, đánh dấu các trái bom chưa nổ và phá bom. Công việc hết sức nguy hiểm nhưng cả ba cô gái vẫn có những niềm vui hồn nhiên của tuổi trẻ, những những giây phút thanh thản, mơ mộng. Và đặc biệt họ sống gắn bó, yêu thương nhau trong tình đồng chí đồng đội. Trong một lần phá bom, Nho đã bị thương và được sự chăm sóc, lo lắng chu đáo của hai người đồng đội. Một cơn mưa đá bất chợt đến trên điểm cao khiến các cô hết sức vui thích).

Chúng tôi có ba người. Ba cô gái. Chúng tôi ở trong một cái hang dưới chân cao điểm. Con đường qua trước hang, kéo lên đồi, đi đến đâu đó, xa! Đương bị đánh lở loét, màu đất đỏ, trắng lẫn lộn. Hai bền đường không có lá xanh. Chỉ có những thân cây bị tước khô khô cháy. Những cây nhiều rễ nằm lăn lóc. Những tảng đá to. Một vài cái thùng xăng hoặc thành ô tô méo mó, han gỉ nằm trong đất.

Việc của chúng tôi là ngồi đây: Khi có bom nổ thì chạy lên, đo khối lượng đất phải lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom. Người ta gọi chúng tôi là tổ trinh sát mặt đường. Cái tên gợi sự khát khao làm nên những sự tích anh hùng. Do đó, công việc cũng chẳng đơn giản. Chúng tôi bị bom vùi luôn. Có khi bò trên cao điểm về chỉ thấy hai con mắt lấp lánh. Cười thì hàm răng trắng lóa trên khuôn mặt nhem nhuốc. Những lúc đó, chúng tôi gọi nhau là “những con quỷ mắt đen”(…).
Có ở đâu như thế này không: Đất bốc khói, không khí bàng hoàng, máy bay đang ầm ì xa dần. Thần kinh thì căng như chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu, chân chạy mà vẫn biết rằng khắp xung quanh có nhiều quả bom chưa nổ. Có thể nổ bây giờ, có thể chốc nữa. Nhưng nhất định sẽ nổ (…).

Vắng lặng đến phát sợ. Cây còn lại xơ xác. Đất nóng. Khói đen vật vờ từng cụm trong không trung, che đi những gì từ xa. Các anh cao xạ có nhìn thấy chúng tôi không? Chắc có, các anh ấy có những cái ống nhòm có thể thu cả trái đất vào tầm mắt. Tôi đến gần quả bom. Cảm thấy có ánh mắt các chiến sĩ dõi theo mình, tôi không sợ nữa. Tôi không đi khom. Các anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi có thể cứ đàng hoàng mà bước tới. Quả bom nằm lạnh lùng trên một bụi cây khô, một đầu vùi xuống đất. Đầu này có vẽ hai vòng tròn màu vàng… Tôi dùng xẻng nhỏ đào đất dưới quả bom. Đất rắn. Những hòn sỏi theo tay tôi bay ra hai bên. Thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào quả bom. Một tiếng động sắc đến gai người, cứa vào da thịt tôi. Tôi rùng mình và bỗng thấy tại sao mình làm quá chậm. Nhanh lên một tí! Vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành. Hoặc là nóng từ bên trong quả bom. Hoặc là mặt trời nung nóng. Chị Thao thổi còi. Như thế là đã hai mươi phút qua. Tôi cẩn thận bỏ gói thuốc mìn xuống cái lỗ đào, châm ngòi. Dây mìn dài, cong, mềm. Tôi khoả đất rồi chạy lại chỗ ẩn nấp của mình…Và mồ hôi thấm vào môi tôi, mằn mặn, cát lạo xạo trong miệng. Nhưng quả bom nổ. Một thứ tiếng kì quái, đến váng óc. Ngực tôi nhói, mắt cay mãi mới mở ra được. Mùi thuốc bom buồn nôn. Ba tiếng nổ nữa tiếp theo. Đất rơi lộp bộp, tan đi âm thầm trong những bụi cây. Mảnh bom xé không khí, lao và rít vô hình trên đầu.

Tôi phủi áo, căng mắt nhìn qua khói và chạy theo chị Thao. Muốn xuống chờ Nho để đi về hang, chị Thao phải qua chỗ tôi. Chị cười, răng trắng, vết sẹo bóng lên, mảnh dù bay trên lưng, chị lao lên trước tôi. Gió cố tình giật mảnh dù trên lưng chị, nhưng không giật nổi. Chị Thao vấp ngã, tôi đỡ chị. Nhưng chị vùng ra, mắt mở to, mờ trắng đi như không còn sự sống. Sao vậy? Tôi không hiểu. Chị kéo luôn tay tôi, sà xuống mô đất. Vâng, một mô đất nhỏ, hơi dài, phủ đầy thuốc bom màu xám.

- Nho, bị thương ở chỗ nào? Bị ở đâu, em? Chị nghẹn ngào, không nước mắt. Tôi moi đất, bế Nho đặt lên đùi mình. Máu túa ra từ cánh tay Nho, túa ra, ngấm vào đất. Nó không giống cái que kem trắng của tôi khi nãy nữa. Da xanh đi, mắt nhắm nghiền, quần áo đầy bụi. Quả bom tung lên và nổ trên không. Hầm nó nấp bị sập...



Văn bản 2: NGƯỜI SÓT LẠI CỦA RỪNG CƯỜI
(Võ Thị Hảo)

   (Tóm tắt: Năm cô gái thanh niên xung phong có nhiệm vụ canh giữ một kho quân nhu náu mình dưới tán cây rừng Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Họ rất có ý thức giữ gìn vẻ đẹp nữ tính của mình nhưng rừng và dòng nước khe màu xanh đen đã vặt trụi tóc của họ. Thảo là cô gái đến nhận nhiệm vụ ở kho sau cùng. Năm cô gái cùng mơ ước về một tình yêu hạnh phúc và họ thấm thía nỗi cô đơn. Bốn cô gái bị mắc bệnh cười, Thảo là cô gái duy nhất không bị mắc chứng đáng sợ giống những người đồng đội. Trong một lần địch đến tập kích, bốn cô gái thanh niên xung phong đã hy sinh. Thảo là cô gái duy nhất còn sống sót.)

Vài tháng sau, kho Rừng Cười nhận được lệnh chuyển. Tiếng súng của những trận đánh nghe đã gần lắm. Chưa kịp đi thì địch đã đưa cả một đại đội đến đánh chiếm chòi và năm cô gái nhỏ. Lúc đó, Thảo đang bị sốt mê man - những trận sốt rét nhập môn cho người ở rừng. Bốn chị kia đã dìu Thảo đi giấu ở một hốc cây kín đáo rồi về cầm súng. Chuyện thần thoại của chiến trường không xảy ra ở đây. Bốn cô gái không chống chọi nổi đã dành những viên đạn cuối cùng cho mình để tránh ô nhục. Tên tuổi họ, lẽ ra phải được in bằng chữ đậm trên trang nhất của các báo như những anh hùng. Nhưng cũng chẳng có gì lạ. Họ nằm lặng lẽ dưới nấm mồ chung do bàn tay yếu ớt của Thảo cố sức đắp sau cơn sốt. Khi cô từ hốc cây tỉnh lại thì địch đã rút.

Đầu Thảo như muốn nổ tung. Cô không khóc nổi. Nhớ lại đêm trước trận đánh, cả năm chị em cùng linh cảm thấy một điều gì khác thường. Đêm oi ả, tù đọng. Mấy chị em nói chuyện bâng quơ rồi một chị đòi Thảo kể về người yêu. Và như mọi lần, Thảo vừa kể bằng chuyện thực vừa bằng hoang tưởng, vẽ lên chàng “hoàng tử”. Ba chị kia mắt sáng ngời lắng nghe như nuốt lấy từng lời. Nhưng Thắm - chị tổ trưởng, trước lúc chui vào màn đã đến vuốt tóc Thảo và bảo: “Thảo ơi! Liệu em có quá yêu người ta không đấy, không hiểu sao, chị bỗng thấy sợ cho em. Em là người duy nhất trong chúng ta đang có hạnh phúc. Mai này, có trở về, dù thế nào, em cũng không được để đàn ông người ta phải thương hại mình nghe!”.

Lúc đó Thảo đã thoáng chút hờn giận chị. Thế mà giờ đây, Thắm và ba đồng đội của cô đã chết trong những tư thế rất khác nhau. Một lưỡi lê cay cú đã đâm nát một bên ngực của Thắm. Trước đây mỗi lúc tắm chung dưới khe, Thảo thường thích ngắm trộm ngực chị Thắm và thầm nghĩ: “Ngực thần Vệ nữ cũng có lẽ chỉ đẹp đến thế là cùng” và ước ao phải chi mình có bộ ngực như thế. Giờ đây Thảo chỉ còn mỗi cách vần các đồng đội của mình xuống huyệt, rải lên bốn thi thể con gái một thảm lá thật dày, rồi lấp đất. Cô trồng lên mộ bốn cây bằng lăng nhỏ, rồi dốc nốt chỗ nước trong bi đông xuống tưới cho cây. Mặt đất khô khan kêu “xèo” một tiếng, bốc hơi ngùn ngụt quẩn vào chân Thảo.

Chú thích:

(1) Những ngôi sao xa xôi (Lê Minh Khuê)
– Lê Minh Khuê: Lê Minh Khuê sinh năm 1949, quê ở Thanh Hóa, là nhà văn nữ chuyên viết truyện ngắn, với ngòi bút miêu tả tâm lí nhân vật sắc sảo và tinh tế. Đề tài chủ yếu trước 1975 là viết về cuộc sống của tuổi trẻ trên tuyến đường Trường Sơn.
Những ngôi sao xa xôi: được sáng tác năm 1971, trong những năm cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra gay go và ác liệt nhất.

(2) Người còn sót lại của rừng cười (Võ Thị Hảo)
– Võ Thị Hảo: Tên thật là Võ Thị Hảo, sinh năm 1956, thể loại sáng tác truyện ngắn, tiểu thuyết
Người còn sót lại của Rừng cười: được sáng tác 1991, viết về đề tài chiến tranh.

Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận cảm nhận về những nhân vật cô gái thanh niên xung phong được thể hiện qua hai đoạn văn bản Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê và Người còn sót lại của Rừng cười của Võ Thị Hảo.


I. ĐỌC (4.0 điểm):

Câu 1:

Câu 2:

Câu 3:

Câu 4:

Câu 5:

I. VIẾT (6.0 điểm):

Câu 1:

Câu 2:

Kết quả

Bài làm của bạn

Lời giải gợi ý

I. Đọc

II. Viết

I. Đọc

Câu 1: Nghị luận

Câu 2:
Trên hành trình cuộc đời, con người sẽ nếm trải đủ cay đắng ngọt bùi, sẽ đưa ta đến với những khó khăn thử thách, sẽ nhấn chìm ta trong những vui buồn sướng khổ.

Câu 3:
- Điệp ngữ: "Suy cho cùng"
- Tác dụng:
+ Khẳng định và nhấn mạnh hành trình cuộc đời là để tìm kiếm bản thân và để thử thách và trải nghiệm.
+ Điệp ngữ làm cho nhịp điệu câu văn trở nên nhịp nhàng, tạo được sự ấn tượng cho người đọc, người nghe.

Câu 4:
Quá trình sống, con người sẽ khám phá niềm đam mê, những mong muốn, khát vọng... của bản thân. Từ đó, con người sẽ phát hiện khả năng, sức mạnh nội tại, của chính mình trên hành trình chinh phục những khát vọng ấy.

Câu 5: Học sinh có thể rút ra một trong những thông điệp:
- Trong cuộc đời, ta sẽ có những lần vấp ngã nhưng điều quan trọng là phải có ý chí để vượt qua những những thất bại, sai lầm ấy.
- Là tuổi trẻ chúng ta sẽ có đủ thời gian, sức mạnh và khát vọng để biến những điều “không thể” thành những điều “có thể”.

II. Viết

Câu 1 (2.0 điểm): Nghị luận xã hội
- Giải thích: Trải nghiệm là con người tự mình trải qua để có được hiểu biết, kinh nghiệm trong cuộc sống.
- Bàn luận: Con người cần phải có những trải nghiệm, vì:
+ Chỉ có thể trực tiếp trải nghiệm, con người mới có sự hiểu biết và kinh nghiệm thực tế. Từ đó, con người sẽ trưởng thành về cách ứng xử, cách nghĩ, cách làm...
+ Trải nghiệm cũng là cách để con người rèn luyện ý chí, biết cách để đối mặt với những thử thách, khó khăn.
+ Chỉ có thể trải nghiệm mới giúp cho con người có những bài học, những kinh nghiệm để tránh những sai lầm, vấp ngã trong cuộc sống.
- Bài học nhận thức và hành động
+ Ý thức được những giá trị của sự trải nghiệm, con người nên có những tích cực tham gia các hoạt động trải nghiệm.
+ Những người sống thiếu sự trải nghiệm có cuộc sống nghèo nàn, “không dám bước ra thế giới bên ngoài”, thiếu những kiến thức thực tế, gặp khó khăn sẽ không biết cách giải quyết...

Câu 2 (2.0 điểm): Nghị luận văn học

DÀN Ý CHI TIẾT

1/ Mở bài:
- Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ là tác phẩm của Svetlana Alexievich - chủ nhân Nobel Văn học 2015. Chiến tranh khi mang khuôn mặt phụ nữ sẽ không chỉ là sự bỡ ngỡ với mùi thuốc súng, là nỗi lo sợ khi đối diện chết chóc mà còn là những chuyện bản năng đàn bà. Phần con gái của họ bị dẹp bỏ từ những điều sơ đẳng nhất, để khoác lên mình những bộ quân phục đàn ông, mang súng, cắt đi búi tóc dài…
- Giới thiệu khái quát:
+ Những ngôi sao xa xôi (Lê Minh Khuê): truyện kể về ba nhân vật nữ thanh niên xung phong - làm thành một tổ trinh sát mặt đường tại một trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn. Họ gồm có Nho, Thao và Phương Định - người kể chuyện. Nhiệm vụ của họ là quan sát địch ném bom, đo khối lượng đất đá phải san lấp, đánh dấu các trái bom chưa nổ và phá bom. Công việc hết sức nguy hiểm nhưng cả ba cô gái vẫn có những niềm vui hồn nhiên của tuổi trẻ.
+ Người còn sót lại của rừng cười (Võ Thị Hảo): câu chuyện về năm cô gái thanh niên xung phong có nhiệm vụ canh giữ một kho quân nhu náu mình dưới tán cây rừng Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Họ rất có ý thức giữ gìn vẻ đẹp nữ tính của mình nhưng rừng và dòng nước khe màu xanh đen đã vặt trụi tóc của họ. Thảo là cô gái đến nhận nhiệm vụ ở kho sau cùng. Năm cô gái cùng mơ ước về một tình yêu hạnh phúc và họ thấm thía nỗi cô đơn. Bốn cô gái bị mắc bệnh cười, Thảo là cô gái duy nhất không bị mắc chứng đáng sợ giống những người đồng đội. Trong một lần địch đến tập kích, bốn cô gái thanh niên xung phong đã hy sinh. Thảo là cô gái duy nhất còn sống sót.
-> Cả hai hai tác phẩm đều viết về những cô gái thanh niên xung phong ở chiến trường Trường Sơn thời kháng chiến chống Mỹ. Các cô đã dũng cảm chiến đấu và trong số đó có những người đã nằm lại chiến trường khói lửa.

2/ Thân bài:
a. Luận điểm 1:
a1. Những ngôi sao xa xôi (Lê Minh Khuê)
- Ba cô gái thanh niên xung phong Thao, Phương Định, Nho làm ở tổ trinh sát mặt đường. Họ sống trên một cao điểm giữa vùng trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn, nơi tập trung bom đạn nguy hiểm. Công việc của họ phải chạy trên cao điểm cả ngày, phơi mình giữa vùng trọng điểm bắn phá của máy bay địch, sau mỗi trận bom phải đo khối lượng đất đá, đánh dấu bom chưa nổ, phá bom.
- Họ đều là những cô gái thanh niên xung có những phẩm chất cao đẹp như tinh thần trách nhiệm cao với công việc, dũng cảm, gan dạ, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, dám đối mặt với cái chết mà không nao núng dù nhiều lần họ bị bom vùi và làm bị thương. Họ luôn bình tĩnh, chủ động trong lúc làm nhiệm vụ và lạc quan luôn nghĩ về tương lai.
- Họ có tinh thần đồng đội gắn bó, thân thiết điều đó được thể hiện ở tính tình, sự quan tâm chăm sóc chu đáo khi đồng đội bị thương.
a2. Người còn sót lại của rừng cười (Võ Thị Hảo)
- Năm cô gái cũng là những thanh niên xung phong ở núi rừng Trường Sơn thời chống Mỹ. Họ đên với chiến trường với tuổi đời con rất trẻ, đang tuổi xuân phơi phới. Vì tình yêu của Tổ quốc, họ đã dâng hiến tuổi thanh xuân đẹp nhất cuả đời mình. Nhiệm vụ của các nữ thanh niên xung phong là canh giữ kho quân nhu. Các cô gái nhiều khát khao và ước vọng của tuổi trẻ. Họ luôn khao khát tình yêu khi ở giữa rừng già thăm thẳm. Nhưng qua một thời gian các cô đã mắc một căn bệnh quái đản, bệnh cười. Tiếng cười sằng sặc, man dại vang cả góc rừng. Bệnh lây lan từ người này sang người khác, bốn cô gái đều bị mắc bệnh, chỉ có Thảo đến sau là chưa mắc bệnh.
- Những cô gái nhỏ bé nhưng dũng cảm và kiên định, họ đã chiến đấu đến cùng, không phải với vũ khí, mà với nỗi đau và cô đơn. Hysteria không chỉ làm tổn thương cơ thể mà còn làm suy yếu tinh thần của những cô gái trẻ. Rừng cười trong tác phẩm mà Võ Thị Hảo viết ra, có thể chỉ là rừng của những người điên và tan tác trong đau thương của chiến tranh. Hình ảnh của phụ nữ trong chiến tranh luôn chứa đựng nhiều cảm xúc. Họ không chỉ trải qua những thảm kịch của cuộc chiến, mà còn chứng kiến một thế giới bi thương và đau đớn. Các cô đã hy sinh “Thắm và ba đồng đội của cô đã chết trong những tư thế khác nhau. Một lưỡi dao cay đã đâm thủng bên ngực của Thắm (...) Giờ đây Thảo chỉ còn biết vùi xác các đồng đội xuống huyệt, rồi rải lệ bốn thi thể con gái ra trên một tấm lá dày, rồi lấp đất. Cô trồng bốn cây lăng nhỏ trên mộ, rồi đổ nước từ bình đông lên tưới cho cây. Mặt đất khô khan kêu “xèo” một tiếng, hơi ẩm ướt bốc lên xung quanh chân Thảo.”
b. Luận điểm 2: So sánh hai tác phẩm
b1. Điểm tương đồng
- Cả hai tác phẩm đều viết về đề tài chiến tranh, cuộc kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường Trường Sơn. Nhân vật trung tâm của hai tác phẩm là các nữ thanh niên xung phong. Họ là những cô gái tuổi đời còn rất trẻ, cuộc chiến tranh nổ ra họ đã giã từ quê hương lên đường đánh giặc. Họ đã dâng hiến tuổi thanh xuân cuộc đời cho mình cho đất nước. Họ sống có lý tưởng, có niềm tin và tình yêu Tổ quốc.
- Các cô gái thanh niên xung phong là cô gái hồn nhiên mơ mộng, lạc quan yêu đời. Họ có những khao khát tuổi trẻ, khát khao tình yêu, hạnh phúc. Họ mơ ước về một cuộc sống hòa bình, một đất nước độc lập.
- Cuộc chiến tranh quá tàn khốc, các nữa thanh niên xung phong phải đói mặt với biết bao hiểm nguy. Cái chết có thể đến với họ bất cứ lúc nào. Nhưng họ vẫn vững vàng, kiên định.
- Cả hai tác giả sử dụng bút pháp hiện thực để miêu tả cuộc chiến tranh chống Mỹ và khắc họa nhân vật.
b2. Điểm khác biệt:
Đều viết về những nữ thanh niên xung phong nhưng ở hai tác phẩm có những nét khác biệt:
- Dù cuộc chiến có tàn khốc đến thế nào nhưng những nữ thanh niên xung phong trong Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê vẫn giữ được nét hồn nhiên, mơ mộng. Họ thích hát, thích cười, thích ăn ngọt, thích thêu thùa. Họ vui như trẻ thơ khi bất chợt một cơn mưa đá kéo qua.
- Còn những cô gái trong Người còn sót lại của rừng cười của Võ Thị Hảo sau một thời gian canh giữ kho quân nhu trong rừng sâu một thời gian từ bốn cô gái trẻ măng, xuân thì giờ đây hình hài vóc tiều tụy, xác xơ, mái tóc đen mượt giờ chỉ còn là một dúm xơ xác. Dòng nước khe màu xanh đen thớ lợ đã dần dà vặt trụi tóc của họ. Không những thế họ còn mắc một căn bệnh khủng khiếp, đó là bệnh cười. Có những lúc các cô vừa cười vừa khóc, tay dứt tóc, và xé quần áo. Còn một cô khác trẻ hơn đang chạy tới chạy lui ôm đầu tuyệt vọng. Cô chưa bị lây, nhưng với cung cách này, chẳng bao lâu, cô ta sẽ cũng không thoát khỏi. Chiến tranh, rừng thiêng nước độc, những ám ảnh tâm lý… đã thực sự hủy hoại những cô gái thanh niên xung phong.
- Những nữ thanh niên xung phong trong Những ngôi sao xa xôi đã băng mình trong lửa đạn để làm nhiệm vụ. Họ chạy trên cao điểm cả ban ngày, có khi bị bom vùi . Họ dùng xẻng nhỏ đào đất dưới quả bom. Đất rắn. Những hòn sỏi theo tay tôi bay ra hai bên. Thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào quả bom. Một tiếng động sắc đến gai người, cứa vào da thịt. Trong những lần làm nhiệm vụ họ. Có một lần, hầm sập, Nho đã bị thương, chị được chị Thao và Phương Định chăm sóc may mắn là không nguy hiểm đến tính mạng.
- Còn bốn nữ thanh niên xung phong trong Người còn sót lại của rừng cười không còn ai sống sót trong một đợt tập kích của kẻ thù. Chưa kịp đi thì địch đã đưa cả một đại đội đến đánh chiếm chòi và năm cô gái nhỏ. Lúc đó, Thảo đang bị sốt mê man - những trận sốt rét nhập môn cho người ở rừng. Bốn chị kia đã dìu Thảo đi giấu ở một hốc cây kín đáo rồi về cầm súng. Bốn cô gái không chống chọi nổi đã dành những viên đạn cuối cùng cho mình để tránh ô nhục… Thắm và ba đồng đội của cô đã chết trong những tư thế rất khác nhau. Một lưỡi lê cay cú đã đâm nát một bên ngực của Thắm. Người còn sót lại của rừng cười là Thảo, giờ đây Thảo chỉ còn mỗi cách vần các đồng đội của mình xuống huyệt, rải lên bốn thi thể con gái một thảm lá thật dày, rồi lấp đất. Các cô đã hy, những sự hy sinh đó làm đau thắt lòng người.
c. Luận điểm 3: Lí giải sự tương đồng và khác biệt
- Đề tài của hai tác phẩm lựa chọn đều là viết về chiến tranh, đối tượng phản ánh là những nữ thanh niên xung phong thời đánh Mỹ ở chiến trường Trường Sơn. Cả hai nhà văn đều có cách tiếp cận rất hiện thực về cuộc chiến tranh. Những hiểm nguy, tàn khốc được miêu tả hết sức chân thực. Qua đó, Lê Minh Khuê và Võ Thị Hảo ngợi ca những con người hy sinh cho Tổ quốc và lên án tội ác của chiến tranh.
- Nhưng cái nhìn về thân phận ở con người trong chiến tranh ở hai tác phẩm có những điểm khác nhau:
+ Ở Những ngôi sao xa xôi, cảm hứng của Lê Minh Khuê là ngợi ca những nữ thanh niên kiên cường, dũng cảm. Họ sống và chiến đấu hết mình cho lý tưởng, cho ngày độc lập, hòa bình cho Tổ quốc.
+ Ở Người còn sót lại của rừng cười, Võ Thị Hảo thấy sự hủy diệt của chiến tranh đối với con người. Chiến tranh thực sự khủng khiếp, con người không chỉ bị hủy diệt bởi bom đạn và sự giết chóc, mà sự cô đơn thăm thẳm ở rừng già Trường Sơn đã giết mòn những cô gái trẻ. Nhà văn không né tránh hiện thực kinh hoàng của cuộc chiến, đó là cách tiếp cận mới mẻ của Võ Thị Hảo về chiến tranh.
+ Nguyên nhân nào dẫn đến sự khác nhau ở hai tác phẩm: xuất phát từ sự chi phối của các giai đoạn văn học. Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê sáng tác trong giai đoạn 1945 - 1975, đó là giai đoạn văn học sáng tác theo khuynh hướng sử thi, thiên về ngợi ca con người và đất nước, hạn chế nói về sự hy sinh, mất mát. Trong khi đó, Người còn sót lại của rừng cười của Võ Thị Hảo được sáng tác năm 1991, thời kỳ hậu chiến. Cách tiếp cận hiện thực của nữ nhà văn thực sự trần trụi và gai góc, nên nhà văn đã mạnh dạn nhìn thẳng vào hiện thực, phản ảnh chân thực những đau thương do chiến tranh gây ra.
+ Cả hai tác phẩm có sức hấp dẫn đặc biệt đối với người đọc ở văn phong, lối kể chuyện và đặc biệt là nghệ thuật khắc họa nhân vật.

3/ Kết bài
- Cả hai đều là những sáng tác tiêu biểu của nền văn học Việt Nam hiện đại. Hai tác phẩm đều viết về chiến tranh nhưng sự khám phá ở hai nhà văn có những nét riêng độc đáo.
- Những sáng tác văn học có giá trị sẽ vượt qua được sự đào thải khắc nghiệt của quy luật tiếp nhận. Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê và Người còn sót lại của rừng cười sẽ là những di sản nghệ thuật của nền văn học Việt Nam.

Xác nhận thoát?

Do Chạm Văn chưa cập nhật tính năng lưu lịch sử làm bài, bài viết của bạn có thể bị xóa.

Tip: Dùng chuột kéo góc dưới bên phải của ô trả lời sẽ "kéo dài" ô đó, giúp bạn dễ nhìn bài viết hơn.